Tin tức - Sự kiện

TTSK – Một số nét chính về kinh tế Rumani & thương mại hai chiều Rumani-Việt nam 2018

4:20 chiều | 02/04/2019

 

I/ TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG NƯỚC SỞ TẠI NĂM 2018

 

1- Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội:

 Nhìn chung tình hình chính trị, xã hội của Rumani năm 2018 vẫn tương đối ổn định mặc dù sự đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Klaus Iohannis và Thủ tướng Viorica Dancila (thuộc liên minh cầm quyền ALDE – PSD) vẫn chưa có hồi kết. Hai bên thường xuyên gây sức ép buộc bên kia phải từ chức hoặc đình chỉ chức vụ và sử dụng lực lượng quần chúng để gây áp lực nhằm đạt mục tiêu này.

Cụ thể: ngày 9/6/2018, liên minh ALDE – PSD tổ chức cuộc biểu dương lực lượng tại thủ đô Bucharest với sự tham gia của khoảng 127.000 người tố cáo tình trạng nhà nước ngầm do Tổng thống dung túng và đòi Tổng thống cách chức bà Kovesi – người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Rumani (Chief prosecutor of the National Anticorruption Directorate).

Để đáp lại, phía những người ủng hộ Tổng thống mà chủ yếu là những người Rumania sinh sống, lao động và làm việc tại nước ngoài (diaspora) cũng tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 10 và 17/8/2018 với trên 100.000 người tại thủ đô Bucharest và khoảng 50.000 người tại các thành phố lớn của Rumani với cáo buộc chính phủ tham nhũng và đòi Chính phủ của liên minh cầm quyền ALDE – PSD của Thủ tưởng Viorica Dancila phải từ chức. Hầu hết các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống diễn ra khá ôn hòa, trừ cuộc biểu tình diễn ra tại Bucharest tối ngày 10/8/2018 đã biến thành xung đột bạo lực khiến 452 người bị thương trong đó có 65 người phải nhập viện (bao gồm cả cảnh sát chống bạo động – Gendarmes) mà theo dư luận báo chí thì nguyên nhân của nó xuất phát từ việc sử dụng vũ lực trên mức cần thiết của lực lượng gendarmes.

Ngoài ra, sự chia rẽ và bất đồng sâu sắc trong nội bộ đảng cầm quyền (PSD) bắt đầu từ cuối tháng 10 với một bộ phận lãnh đạo chủ chốt của Đảng cầm quyền đòi Chủ tịch đảng PSD Liviu Dragna phải từ chức đã dẫn đến sự cải tổ nội các trung tuần tháng 11 vừa qua với sự thay thế 08 vị trí đứng đầu của các Bộ, ngành chủ chốt như Quốc phòng, Kinh tế, Phát triển vùng, Giao thông vận tải, Lao động, Thông tin & Viễn thông, Văn hóa và Bản sắc dân tộc, Thanh niên và Thể thao (trong đó hai chức danh Bộ trưởng Phát triển vùng và Giao thông vận tải vẫn chưa được Tổng thống phê duyệt) cũng tác động tiêu cực đến các hoạt động điều hành của chính phủ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Theo giới truyền thông thì sự cải tổ này về thực chất là hành động thanh trừng những người lên tiếng chống lại vai trò lãnh đạo của chủ tịch PSD Liviu Dragnea.

Những bất ổn trên dẫn đến hoài nghi của EU về khả năng của Rumani trong việc đảm đương chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (European Council) trong nhiệm kỳ 06 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, Thủ tướng Dancila đã thể hiện thiện ý hợp tác giữa chính phủ và Tổng thống thông qua việc đồng ý để Tổng thống tham gia một số phiên họp của Chính phủ và cho rằng sự hợp tác này là cần thiết khi Rumani chuẩn bị đảm đương vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu.

Bên cạnh sự bất ổn về chính trị, năm 2018 cũng là năm Rumani phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, dịch bệnh như: dịch viêm màng não (meningitis) do virus Tây sông Nil (West Nile virus) gây ra khiến 06 người tử vong trên tổng số 56 người được chẩn đoán nhiễm loại dịch bệnh này; Mưa lớn và lũ quét vào cuối tháng 6 đầu tháng 7/2018, đã gây lụt lội nghiêm trọng làm 04 người chết, hàng nghìn người phải di tản, 15 tuyến đường và cầu cống bị thiệt hại hoặc đóng cửa. Theo thống kê, có tới 98 địa phương thuộc 23 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận lụt này; Dịch Sốt Lợn Châu phi (African Swine Fever) hoành hành tại  10 tỉnh dẫn đến số lượng lợn bị tiêu hủy lên đến gần 350.000 con khiến Chính phủ phải dành ra 200 triệu lei (khoảng 50 triệu USD) để bồi thường thiệt hại cho các hộ dân và các trang trại chăn nuôi lợn. Tiếp đó đầu tháng 8/2018, 01 con lợn thuộc trang trại gia đình tại TP Saveni thuộc tỉnh Botosani gần biên giới Moldova bị chết do nhiễm vi khuẩn bệnh than (anthrax). Rumani đã thông báo sự bùng phát dịch bệnh này cho Tổ chức Thú y Thế giới (World Organization for Animal Health).

Ngoài ra, do lượng người Rumani bỏ sang sinh sống và làm việc tại các nước EU trong những năm gần đây để tránh đói nghèo và tham những ngày càng gia tăng đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong nước. Kể từ khi ra nhập EU năm 2007 đến nay đã có 3,5 triệu người Rumania di cư sang các nước EU (riêng 06 tháng đầu năm 2018 đã có 19.070 người Rumani ra nước ngoài làm việc).

Để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước, trong mấy năm gần đây, Rumani đã phải nhập khẩu lao động nước ngoài. Số liệu thông kê chính thức của Bộ Lao động Rumani cho thấy tổng số lao động nước ngoài đến từ khu vực ngoài EU (non-EU foreign employees) tại Rumani bao gồm cả lao động thường xuyên (permanent workers) và tạm thời (posted workers) vào thời điểm tháng 7/2018 là 17.089 người – mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó, Trung quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước đứng đầu về số lượng lao động nhập cư vào Rumani với 3.627 và 2.120 lao động, tiếp theo đó là Moldova (1.787) và Việt nam (1.554). Kể từ khi gia nhập EU, Rumani chủ yếu nhập khẩu lao động từ Trung quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng 02 năm gần đây, phần lớn các lao động này đến từ Việt nam. Tổng số lao động đến từ Việt nam năm 2017 là 1.414 người và năm 2018 là 3.202 người. Cũng trong năm 2018, lượng lao động đến từ Thổ Nhĩ Kỳ là 1.200 người và từ Nepal là 768 người.

Mặc dù năm 2017 là năm Rumania có mức tăng GDP cao nhất EU28 (7%), song ngay từ đầu năm 2018, Ủy Ban Châu âu (European Commission) dự báo tăng trưởng GDP của Rumani năm 2018 là 4,5% và 2019 là 4,0%.           

Theo số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Rumani (INS), Real GDP của Rumani  năm 2018 đạt 940,5 tỷ RON tương đương khoảng 202 tỷ Euro (tăng 4,1% so với năm 2017) và GDP đầu người đạt 10.000 Euro đưa Rumani trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 15 trong EU28 (lần đầu tiên vượt Bồ Đào Nha trong suốt nhiều thập kỷ qua).

Tăng trưởng GDP của Rumani năm 2018 chủ yếu do tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp (+9,9%), thông tin – viễn thông (+7%), các hoạt động chuyên môn, khoa học kỹ thuật (+5,7%), chi tiêu hộ gia đình (+4,9%) và công nghiệp (+4,1%). Riêng lĩnh vực xây dựng giảm 5,6% so với 2017.

Mặc dù thấp hơn mức dự kiến 4,5% của chính phủ, song trong bối cảnh mức tăng GDP chung của EU28 năm 2018 là 1,9% và của Eurozone là là 1,8%, thì đây vẫn là con số khá ấn tượng; Xuất khẩu năm 2018 tăng 8,12% so với năm 2017, đạt 67,733 tỷ Euro và nhập khẩu tăng 9,60%, đạt 82,866 tỷ Euro. Thâm hụt thương mại ở mức 15,133 tỷ Euro (tăng 17,0% so với năm 2017 và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008); Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 4,8 tỷ Euro (tăng 4,6% so với 2017); Lạm phát 2018: 4,6%; Thâm hụt ngân sách năm 2018 ở mức 5,9 tỷ Euro (tăng 13% so với 2017) và chiếm 2,9% GDP (thu : 63,4 tỷ Euro và chi : 69,3 tỷ Euro); Dự trữ ngoại hối vào thời điểm tháng 12/2018 :  33,065 tỷ Euro.

Theo dự báo của EU, tăng trưởng GDP của Rumani năm 2019 sẽ là 3,8% và năm 2020 là 3,6%.

 

2- Xuất nhập khẩu hàng hóa:

*** Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu: Euro 150,599 tỷ (tăng 8,93% so với 2017)

+ Xuất khẩu:  67,733 tỷ Euro (+8,12% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó XK hàng hóa sang EU28 chiếm 76,75% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các thị trường xuất khẩu chính: Đức, Ý, Pháp, Hungary, Anh, Bulgaria, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng Hòa Séc.

+ Nhập khẩu: 82,866 tỷ Euro (+9,60%  so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó NK hàng hóa từ EU28 chiếm 74,67%  tổng kim ngạch nhập khẩu.

Các thị trường nhập khẩu chính: Đức,Ý, Hungary, Ba lan, Trung quốc, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Nga, Tây ban Nha.

+ Thâm hụt cán cân thương mại: – 15,133 tỷ Euro (tăng 17% so với 2017 và là mức cao nhất kể từ 2008)

*** Kim ngạch Xuất – nhập khẩu Rumani với các khu vực thị trường 2018.

 

II/ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG VIỆT NAM – RUMANI NĂM 2018

1/ Thương mại hai chiều Việt Nam – Rumani: 

Theo Tổng Vụ Ngoại Thương Rumani, tổng kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt 214,932 triệu USD (181,767 triệu Euro) giảm 5,32% so với 2017. 

• Xuất khẩu của Việt nam sang Rumani: 169,891 triệu USD (+0,91%)

• Nhập khẩu của Việt nam từ Rumani: 45,041 triệu USD (-23,21%)

• Cán cân thương mại: + 124,850 triệu USD (Việt nam)

*** Ghi chú: Mức tăng/giảm kim ngạch tính bằng USD thấp hơn so với tính bằng đồng Euro.

a. Xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani:

Xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani đạt 169,891 triệu USD (tăng 0,91% so với 2017) với các sản phẩm chính như : máy móc thiết bị điện và điện tử; Máy móc thiết bị cơ khí và linh kiện; Sản phẩm dệt may; Giày dép; Cà phê; Thực phẩm chế biến; Đồ gỗ nội ngoại thất; Nhôm và sản phẩm nhôm; Nhựa và sản phẩm nhựa; Phương tiện vận tải & phụ tùng; Cao su & sản phẩm cao su, Đồ chơi trẻ em…

*** Kim ngạch 10 mặt hàng  XK chính của Việt nam

*** Kim ngạch một số sản phẩm XK khác:

Thủy hải sản đông lạnh (HS03) :4,691 triệu USD; Nhựa và sản phẩm nhựa (HS39) : 3,955 triệu USD; Thịt và hải sản chế biến (HS16): 3,870 triệu USD; Sản phẩm dệt may (HS 61 +62 +63 ): 3,954 triệu USD ; Da muối (HS41): 3,059 triệu USD; Vali, túi xách, đồ thể thao (HS42): 3,180 triệu USD; Cao su và sản phẩm cao su : 2,070 triệu USD; Sản phẩm đá, thạch cao(HS68) :1,904 triệu USD; Sản phẩm gốm sứ (HS69) : 1,129 triệu USD.

b/ Nhập khẩu của Việt Nam từ Rumani:

Nhập khẩu của Việt Nam từ Rumani năm 2018 đạt 45,041 triệu USD (giảm 23,21% so với 2017) với các sản phẩm chính như :  Lúa mỳ; Phân bón; Dược phẩm; Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; Máy móc thiết bị; Gỗ;  Hóa chất; Nội tạng động vật; Len & lông thú; Thủy hải sản; Thực phẩm chế biến; Sợi hóa học…

*** Kim ngạch 10 mặt hàng nhập khẩu chính của Việt nam

 

 

III/ TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ SONG PHƯƠNG

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt nam, tính đến 20/12/2018, Rumani đầu tư  vào Việt nam 02 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1,2 triệu USD (xếp thứ 91 trong số 130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN).

Còn theo số liệu do phòng Thương mại và Công nghiệp Rumani cung cấp, cho đến cuối năm 2017, có 216 công ty Việt nam đang hoạt động tại Rumani với số vốn đăng ký là 2,1 triệu Euro (đây có thể là các công ty người Việt đang sinh sống, làm ăn tại Rumani).

 

Bucaret, 02/04/2019.

Hoàng Anh Dũng – Tham tán Thương mại ĐSQVN tại Rumani.

 

 

 

 

 

Liên kết website