Theo số liệu của Cục thống kê Châu âu (Eurostat), năm 2017 tăng trưởng kinh tế của Rumani đạt mức trên 7%, đây là mức tăng GDP cao nhất mà quốc gia này đạt được kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhờ thế mà Rumani đã được xếp hạng là nền kinh tế đứng thứ 16 trong khối các nước thành viên Liên minh châu âu (EU).
Tuy nhiên hiện nay GDP bình quân theo đầu người của Rumani vẫn rất thấp (bằng khoảng 40% so với mức trung bình của các quốc gia thành viên EU), chỉ hơn Bulgaria. Để rút ngắn khoảng cách với 27 nước thành viên EU, Rumani đang tích cực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trên mức 7,5% trong những năm tới.
Thách thức về tăng trưởng kinh tế của Rumani trước hết nằm ở chỗ mức thâm hụt thương mại khá lớn do tình trạng nhập siêu tăng liên tục, nói cách khác là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn tăng trưởng xuất khẩu. Dự báo thâm hụt thương mại của Rumani sẽ vượt hơn 20 tỷ euro vào năm 2020 (so với 13 tỷ euro vào năm 2017).
Thêm vào đó các khoản đầu tư công chỉ chiếm 3% GDP, tức khoảng 7,5% tổng đầu tư vào nền kinh tế quốc dân. Đầu tư công bị ảnh hưởng nặng nề bởi những yếu kém và khó khăn trong quản lý công và mức độ hấp thụ vốn vay của các quỹ của EU thấp (chỉ khoảng 30-35%), trong khi đầu tư của lĩnh vực tư nhân thì bị ảnh hưởng bởi các qui định lập pháp không chắc chắn và có phần quan liêu, phiền hà.
Ngoài ra nguồn nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế đang là vấn đề nóng tại Rumani. Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi xu hướng nhân khẩu học tiêu cực, cùng với sự di chuyển lao động được đào tạo và có tay nghề cao sang các quốc gia Tây âu ngày càng gia tăng, trong khi đó thủ tục tuyển dụng và tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Rumani còn nhiều vướng mắt và bất cập cần xử lý. Việc đào tạo nghề trong nước không căn cứ vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và kinh doanh cũng là nhân tố gây bất ổn cho thị trường lao động tại Rumani hiện nay.
Sự thay đổi về luật pháp và các qui định về thuế, thủ tục hành chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và đầu tư vẫn tiếp tục là trở ngại đối với sự phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài tại Rumani, nhất là trong các lĩnh vực về công nghệ thông tin (IT), đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt, cung cấp giải pháp kỹ thuật số cho các dịch vụ công, hoạt động nghiên cứu và phát triển…
Cuối cùng cũng theo đánh giá của Eurostat, mức độ tham nhũng cao tại Rumani vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Chính vì thế công cuộc cải cách hành chính và chiến dịch phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ đẩy mạnh một cách có hiệu quả hơn nhằm tạo uy tín và niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.
Bucaret, 06/03/2018.
Lê Ngọc Thi – Tham tán thương mại ĐSQVN tại Romania
(Tin tháng 3/2018).