Sau thời gian tăng trưởng tương đối nóng, kinh tế thế giới bước vào thời kỳ điều chỉnh với những vấn đề thách thức toàn cầu cần giải quyết như phát triển bền vững và môi trường. Vì vậy, kinh tế thế giới có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của thế giới và khu vực, vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối cao.
Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,09%, với quy mô gần 465 tỷ USD, đứng thứ tư Đông Nam Á và thứ 34 thế giới. Việt Nam được xếp trong nhóm 15 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, với lũy kế đến hết 2024 có hơn 40.800 dự án đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD (cao hơn GDP!). Về hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực Biển Đỏ trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng tới các hoạt động logistics và vận chuyển hàng hóa. Một số doanh nghiệp và các hãng vận chuyển lựa chọn giải pháp chuyển tuyến đường vận tải vòng qua châu Phi, đẩy giá cước vận chuyển Á – Âu lên cao làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%, nhập khẩu tăng 16,7%; 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%. Giá một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như cà phê, tiêu, gạo… tăng theo đà tăng của thế giới thời gian qua, mang lại những lợi ích nhất định cho người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.
Về thương mại song phương Việt Nam – Rumani, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Rumani đạt 533,73 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu có là 378,33 triệu USD, tăng 34% và nhập khẩu là 155,39 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, hiện tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng nhập khẩu của Rumani, khoảng 0,5% thị phần, cho thấy có nhiều tiềm năng có thể khai thác. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Rumani gồm: Hàng sơ sợi (kim ngạch 39 triệu USD), hàng thủy sản (32 triệu USD), sản phẩm sắt thép (11,9 triệu USD).
Trong khuôn khổ “Kế hoạch quốc gia về phục hồi và tự cường”, với số vốn khoảng 27 tỷ Euro nhận từ EU được phân bổ cho 5 năm, bên cạnh các hợp phần tăng cường năng lực quản trị công, phát triển, giáo dục, y tế, nông nghiệp, Rumani thúc đẩy các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đường cao tốc kết nối với EU và Mondova, dự kiến nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng như nguồn nhân lực lao động tăng cao. Đây có thể là những lĩnh vực tiềm năng có thể hướng tới khai thác trong các năm tới. Các doanh nghiệp Rumani mong muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: dược phẩm, thực phẩm chức năng, đưa các mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh của Rumani như rượu vang – với nhiều sản phẩm nhận được giải thưởng trong các cuộc thi thế giới – các sản phẩm thịt chế biến, ngũ cốc và mứt hoa quả vào thị trường Việt Nam.
Rumani chính thức gia nhập Khối Schenghen tháng 1/2025, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường chung Liên minh châu Âu thông qua thị trường cửa ngõ Rumani. Doanh nghiệp Việt Nam, nhờ vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thực thi với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế lớn, trong đó có EVFTA, được coi là linh hoạt hơn so với doanh nghiệp nhiều nước trong khả năng đa dạng hóa và chuyển hướng thị trường xuất khẩu. Trước những cơ hội mới, các doanh nghiệp Việt kiều tại Rumani có thể chủ động, nỗ lực xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động kết nối doanh nghiệp, thực hiện đề án thúc đẩy đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối tại siêu thị tại địa bàn. Đặc biệt, việc đăng cai tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp châu Âu” của Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu tại Rumani tháng 9/2025, trong khuôn khổ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Rumani (1950 – 2025), hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội kết nối phong phú và đa dạng.
Bucaret, 16/02/2025.
Phạm Thị Thu Hà
(Bí thư thứ 1 – Quan hệ thương mại / Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani)