Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Tản nạn Praha

4:29 chiều | 20/05/2015

 

Khoảng cuối tháng 4/2015 tôi nhận được một cú điện thoại từ Cộng hòa Séc của ông Hoàng Đình Thắng, chủ tịch Hội người Việt tại CH Séc. Sau những lời thăm hỏi của những người lâu ngày không gặp mặt ông Thắng đi ngay vào việc: tháng Năm tới tại Praha chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ sang thăm chính thức nước Cộng hòa Séc trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước có nhiều chuyển biến tốt đẹp. Cộng hòa Séc vừa công nhận cộng đồng Việt nam tại Séc như một dân tộc thiểu số, do đó sẽ được pháp luật bảo hộ tích cực hơn. Hội Người Việt và sứ quán Việt nam tại Séc dự kiến tổ chức một số sự kiện nhân những ngày này và muốn mời đại diện cộng đồng các nước châu Âu sang dự. Về phía Romania ông Thắng mời Chủ tịch Hội Người Việt và tôi. Vì bận và không thu xếp kịp visa, anh Ngọc đã không đi tham dự. Phía ngoại giao đại sứ Trần Xuân Thủy cũng được đại sứ Việt nam tại CH Séc Trương Mạnh Sơn mời và đã tham dự. 

Tôi mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn và thông báo với ban tổ chức ngày giờ máy bay hạ cánh và được chị Nga, PCT Hội, trưởng ban đón tiếp dặn khi ra sân bay sẽ có người chờ đón anh đưa về khách sạn. Xuống sân bay Vaclav Havel, tôi ra chậm khoảng chục phút gặp một anh tầm tuổi tôi. Sau cái nhìn thăm dò, chúng tôi nhận ra ngay người này đang đợi người kia. Anh giới thiệu tên Cư vợ là Chung trong BCH Hội, người được phân công đón tôi và anh đi đón giúp vợ. Chúng tôi chuyển hành lý vào hàng ghế sau một chiếc BMW X5 trong bãi đỗ. Anh Cư nói tôi thông cảm vì trong cốp xe đang để bộ đồ chơi Golf. Trên đường về hotel chúng tôi trò chuyện và tôi được biết anh chị Chung Cư sang Tiệp đã gần ba chục năm. Họ là những doanh nhân thành đạt, cả hai điều chơi Golf từ nhiều năm và có “ tay nghề” khá vững. Bên Séc CLB Golf của người Việt thuộc loại đông thành viên nhất so với các CLB Golf người Việt tại các nước châu Âu khác và hoạt động rất tích cức. Anh nói một năm trả thuê bao 1500 euro thì mỗi tháng được chơi 15 lần. Tôi mới học chơi, mới học làm quen các loại gậy sắt , gậy gỗ, các đường swing nên không mở rộng thêm chủ đề này sợ hết hàng. Nói chuyện một lúc hóa ra là năm 74-75 chúng tôi đã học cùng nhau tại trường ngoại ngữ Thanh Xuân. Sau đó anh đi Tiệp còn tôi đi Romania. Quay đi quay lại mà đã bốn mươi năm trôi qua.

Câu chuyện đang xôm thì xe đã đến hotel từ lúc nào. Đường từ sân bay về khá vắng vẻ. Xe đi băng băng không thấy tắc đường gì cả. Thời tiết đẹp, nắng dịu, Praha thật thanh bình. Tôi đã sang Séc 2008 tháng tám cùng anh Hà tham gia giải tennis Cây Vợt Vàng. Hồi đó đi chơi cũng nhiều mà bây giờ vẫn như mới sang lần đầu. Nói chính xác ra từ năm 1980 tôi đã qua Praha lần đầu. Đi tàu hỏa từ Romania sang tận Berlin và một số thành phố của Đông Đức cũ. Trên đường đi qua Praha và một số thành phố của Tiệp Khắc cũ. Hồi đó nhờ anh bạn học trường quân sự tại Brno tôi đã tậu được một con jawa, khi tốt nghiệp mang về Hà nội cũng có giá lắm. Chia tay, anh Cư cho tôi số điện thoại và nói có gì cần cứ gọi anh. Tôi cảm ơn anh đã tận tình giúp những phút ban đầu đến Séc và vào làm thủ tục nhận phòng. 

Sau khi nghỉ đôi chút tôi ra phố tìm hiểu quanh mình đường đi lối lại. Chỗ tôi ở gần một nhà thờ trên quảng trường Hòa Bình (Namesti Miru), một điểm du lịch khá nổi tiếng. Tôi tìm hiểu tầu điện ngầm ở Praha, có 3 tuyến xanh, vàng, đỏ và mạng lưới xe buýt, tàu điện nổi, taxi nên nếu cần đi đâu có bản đồ thì đến địa chỉ cần tìm cũng dễ dàng. Đổi tiền ở quầy trong phố được giá hơn là tại khách sạn. Gía đổi hôm đó là 1euro = 26.7 cuaron. Tôi đổi ít tiền Séc và trên đường về hotel tôi tạt qua quán bia để cảm nhận hương vị bia Sec vốn nổi tiếng và để giải cơn khát. Không khí quán bia bên quảng trường Hòa Bình thật thanh bình. Bia hơi Séc làm tôi sảng khoái. Làm hai vại khan rồi tôi đứng dậy về nơi nghỉ. Gía có ai cùng uống chắc tôi sẽ ngồi lâu hơn và câu chuyện chắc cũng rôm rả hơn là mấy dòng nhắn tin khoe đã sang và đang uống bia Séc một mình.

Sáng hôm sau thứ Bảy, chúng tôi những người khách mời quyết định thuê xe để tự lái, khám phá Praha. Tự đi chơi cũng có cái thú vị của nó. Tôi cũng đi các thành phố ở châu Âu nhiều nên cũng hình thành thói quen tự đi thăm thú không có hướng dẫn viên bản xứ. Chúng tôi đến lâu đài Praha, đi qua cầu Tình và nhiều điểm khác. Chỗ nào cũng đông khách du lịch. Khung cảnh thật dễ chịu. Chúng tôi chụp ảnh, ngắm nghía và tận hưởng không khí thanh bình của Praha. Tôi đã đi các thủ đô nhiều nước châu Âu: London, Paris, Istanbul và cả Roma…Đó là những thành phố được hình thành và phát triển khi các nước này đang là những đế chế lớn nên việc họ xây được các công trình vĩ đại, để đời là chuyện bình thường. Ngay như Viena và Budapest là dấu ấn của đế quốc Aó Hung nên cũng có nhiều công trình đẹp lộng lẫy. Séc xưa nay chưa từng xâm chiếm ai, lại còn bị nước lớn chung quanh “đô hộ” làm thế nào mà họ vẫn xây dựng được các công trình để đời con cháu vậy? Lâu đài Praha là lâu đài cổ lớn nhất thế giới thật có vị trí tuyệt đẹp trên đồi cao. Từ trên quảng trường quanh lâu đài, du khách có thể ngắm toàn cảnh Praha với những mái ngói cổ kính. Tôi lại chợt hỏi sao người Séc có thể giữ được của cải của họ qua các cuộc binh đao trải suốt hàng chục thế kỷ nhỉ? Buổi tối chúng tôi đến Trung tâm Thương mại Sapa, nhà hàng Hoàng Thành. Các đoàn khác cũng lục tục đến. Đây là buổi đầu tiên chủ nhà chiêu đãi khách. Ông đại sứ Trương Mạnh Sơn và ông Chủ tịch HNV Hoàng Đình Thắng phát biểu hoan nghênh các đoàn đến tham dự. Các đại sứ và đại diện sứ quán đến từ Ba lan, Hungary, Slovakia, Romania, Thụy Sĩ, Áo. Các đại biểu cộng đồng đến từ Anh, Pháp, Hungary, Balan, Romania, Slovakia, Thụy Sỹ, Bulgaria, Áo lần lượt đứng lên tự giới thiệu. Buổi tiệc diễn ra trong không khí vui vẻ, thân mật.

Sáng hôm sau, chủ nhật tại phòng họp công ty Saparia, TTTM Sapa diễn ra tọa đàm “Giao lưu người Việt khu vực châu Âu” lần thứ nhất. Các đại biểu cộng đồng từ các nước bắt đầu là nước chủ nhà lần lượt phát biểu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động xây dựng cộng đồng ở nước mình. Một số đại diện ngoại giao các nước cũng phát biểu suy nghĩ về công tác xây dựng cộng đồng. Thay mặt cộng đồng người Việt tại Romania, tôi cũng giới thiệu về cộng đồng quá trình hình thành và phát triển với những đặc thù riêng và những điểm chung giống các cộng đồng khác tại các nước Đông Âu là phát triển mạnh từ sau những năm 90 cùng với hoạt động thương mại.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch HNV tại Séc chia sẻ: làm cán bộ Hội phải là những người tâm huyết, có khả năng đóng góp và cống hiến cao, gương mẫu đi đầu và cho rằng truyền nhiệt huyết cho lớp trẻ làm công tác cộng đồng là vô cùng quan trọng. Trong phương pháp xây dựng hội đoàn tại Séc, hội viên là những người hoàn toàn tự nguyện tham gia các hội hoặc chi hội cơ sở. Các chi hội cơ sở khi đủ mạnh mới xin và được kết nạp Hội trung ương. Vì vậy Hội người Việt tại Séc với gần 100 ủy viên BCH đại diện cho các cơ sở nhưng hoạt động khá nhịp nhàng, không bị chồng chéo vì các ủy viên đều biết vị trí và công việc của mình. Các chi hội đều là đơn vị cộng đồng mạnh vì được hình thành từ nhu cầu của hội viên. Kết thúc buổi tọa đàm, mọi người đều nhất trí với việc thành lập Liên Hiệp Hội Người Việt tại châu Âu mà các thành viên là các Hội người Việt các nước châu Âu. Trước mắt là cử ra BCH lâm thời gồm ông Hoàng Đình Thắng làm chủ tịch. Phó chủ tịch lâm thời là các ông: Vũ Qúy Dương, CT Hiệp HNV tại Hungary, Lê Thiết Hùng CT HNV tại Balan. Việc Hiệp hội ra đời sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác cộng đồng, sự gắn kết các Hội với nhau ở mức cao hơn. Trước mắt trong tháng tám này ông Lê Thiết Hùng mời các hội cử đội bóng đá sang Ba lan giao lưu thi đấu. Tôi chưa dám đăng ký cho “Đội tuyển Romania” tham gia và nghĩ hãy để đội tự quyết định. Thể thao quả là chất gắn kết cộng đồng rất tốt. Tôi thấy mới đặt chân đến là mọi người đã tìm và giao lưu Golf rồi.

Buổi chiều hôm đó tại hội trường Đông Đô trong TTTM Sapa đông đảo bà con đại diện cho cộng đồng người Việt tại khắp CH Séc và một số đại biểu đại diện đến từ các nước châu Âu đã họp mặt để tham gia đón chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và phái đoàn nhà nước Việt nam sang thăm Séc. Không khí đón tiếp của bà con thật tưng bừng hồ hởi. Trong buổi gặp, chủ tịch nước vui vẻ ghi lại các câu hỏi thắc mắc của bà con cộng đồng và giải đáp các thắc mắc đó. Có những thắc mắc khá nhạy cảm về vấn nạn tham nhũng, vấn đề biển đảo… cũng được nêu lên và được chủ tịch nước trả lời đầy đủ.

Trước buổi đón tiếp, tôi có dịp quan sát hội trường và thấy hội trường được trang bị khá hiện đại. Những dịp khác đây là nơi tổ chức sự kiện long trọng trong cộng đồng. Người Việt tại Séc rất đông nên có nhu cầu không gian sinh hoạt riêng thuần Việt. Vào TTTM Sapa ta có cảm giác như vào một chợ nào đó ở Việt nam, vì khắp nơi căng biển quảng cáo dịch vụ tiếng Việt. Bên cạnh nhà hàng như Hoàng Thành, Đông Đô là các dãy chợ ẩm thực. Đến thăm trung tâm Sapa bạn cũng nên giành thời gian sà vào các quán này để thưởng thức đồ ăn Việt.

Tối hôm đó tại hội trường nhà hàng Hoàng Thành diễn ra tiệc chiêu đãi chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân CT với đông đủ phái đoàn chính phủ cùng khoảng gần hai trăm các đại biểu chủ yếu đến từ Séc, Slovakia. Nhà hàng Hoàng Thành cũng là không gian thuần Việt trong TTTM Sapa. Ngồi cùng bàn với các đại diện từ Hungary, Bulgaria, Balan, Séc… chúng tôi nâng cốc chúc nhau sức khỏe và sự thành công của buổi gặp gỡ. Tôi có đến bàn đại sứ của chúng ta, ông Trần Xuân Thủy để chúc mừng sức khỏe và cuộc hội ngộ tại đất Séc. Tôi cũng nâng cốc với những vị ngồi cùng bàn trong đó có ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng Bộ ngoại giao đi trong phái đoàn.

Tôi hình dung lại quang cảnh cách đây bảy năm cũng tại hội trường này trong buổi liên hoan tổng kết giải tennis “Cây Vợt Vàng”, tôi đã thay mặt đoàn Romania tặng đội chủ nhà một món quà lưu niệm. Đến bây giờ , anh Thành, một phó CT Hội vẫn nhắc lại chuyện đó.

Hôm sau, buổi sáng tự do, tôi tranh thủ tham quan và tìm hiểu TTTM Sapa. Trung tâm được hình thành từ năm cuối của thế kỷ trước. Diện tích trải rộng hơn 35 ha. Công ty Saparia 100% cổ phần Việt là chủ Trung tâm này. Trải bao thăng trầm như các chợ người Việt khác ở Đông Âu, Trung tâm đang chuyển mình để thích nghi với luật lệ chặt chẽ của EU. Người Việt tại Séc đang thích nghi và buôn bán ổn định, hội nhập vào Séc trong điều kiện mới. Tôi được biết người Việt tại Séc đã trải ra khắp đất nước và thiết lập một mạng lưới bán lẻ hơn năm nghìn cửa hàng, tạo thành một bộ máy tiêu thụ hàng rất tốt. Chăm chỉ, linh hoạt và chịu khó là những mặt mạnh của người Việt và chính cái này đã mang lại cái nhìn thiện cảm của người Séc và dẫn đến việc nhà nước Séc công nhận cộng đồng người Việt như một dân tộc thiểu số.

Buổi chiều 11.5 tại cung điện Zofin đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề Hợp tác đầu tư kinh tế du lịch với Việt nam, do hai phía Sé,c Việt nam phối hợp tổ chức nhân chuyến thăm của chủ tịch nước Việt nam Trương Tấn Sang. Ngân hàng BIDV của Việt nam với đại diện tại Séc là nhà đồng tài trợ cho sự kiện này. Cung điện Zofin rất hoành tráng, có thể chứa được vài trăm người. Hôm đó các ghế ngồi kín hết, chứng tỏ sự quan tâm của các doanh nghiệp Séc và Việt. Mọi khâu tổ chức khá tốt duy có phần dịch cabin Sec-Việt không ổn, có lẽ do người dịch không biết trước nội dung. Chủ tịch nước Việt nam và tổng thống cộng hòa Séc tham gia diễn đàn và phát biểu rất nhiệt tình cổ vũ cho quan hệ hai nước.

Ngày 12.5 những đại diện cộng đồng được ban tổ chức đưa đi tham quan Praha. Chỉ còn đại diện Romania, Anh quốc, Thụy sĩ và Pháp. Đại diện các nước khác đã chia tay sớm. Đại diện Pháp là bà Therese Nguyễn. Nhìn bà chúng tôi gọi là chị. Nhưng khi nghe giới thiệu bà đã tám sáu tuổi thì nhiều người tự chuyển sang gọi cô. Tuổi cao vậy mà bà vẫn đi lại theo đoàn thăm các điểm du lịch nổi tiếng tại Praha như quảng trường Con Gà, quảng trường Con Ngựa, cầu Tình.. lâu đài Praha. Hướng dẫn du lịch là cô gái trẻ sống lâu năm tại Séc và hiện là nhân viên của công ty du lịch TourViet. Có hướng dẫn viên, mọi thắc mắc sẽ được giải đáp dễ hơn.

Tối hôm đó tại nhà hát thính phòng Rudofinum là lễ khai mạc năm văn hóa Việt nam tại Séc. Số người tham dự kín hết cả phòng với ước khoảng vài trăm ghế. Sau bài phát biểu của ông bộ trưởng văn hóa và du lịch Việt nam là bài đáp lễ của bà thứ trưởng văn hóa Séc. Chương trình ca múa nhạc dân tộc của các nghệ sĩ Việt nam diễn ra sau đó với nhiều tiết mục tấu nhạc, múa hát đặc sắc, thu được nhiều tràng pháo tay của khán giả.

Hôm sau, ngày 13.5 tôi được BTC cử người đưa ra sân bay. Đúng 8 giờ sang một chị hớt hải chạy vào sảnh. Tôi cũng vừa check out. Chị giục: nhanh lên anh, em không có chỗ đỗ xe. Nằm giữa đường là một con Mẹc gần như mới dùng. Trên đường đi tôi hỏi chuyện thì hóa ra chị là chị Chung, vợ anh Cư, người đón tôi lúc đến. Chị nói đứa đầu của chị đã ba mươi tư rồi. Tôi giật mình khen chị trẻ và tế nhị không hỏi tuổi, nhưng nếu đoán chắc chị trên dưới năm mươi. Chị Chung nói, em theo phật pháp mà anh. Có ai đoán được tuổi nhà sư đâu. Thấy chị nói theo phật pháp, tôi hỏi: Phật dạy không nên tham, sân, si, vậy chúng ta ham làm giàu có phải là tham không. Chị khẳng định là không vì nhờ có doanh nghiệp mà chùa chiền phát triển mạnh ngay cả ở các nước Đông Âu.

Ngồi trên máy bay tôi mới nhận ra rằng mình đã kết thúc chuyến thăm và tham ra các sự kiện do hội người Việt tại Séc tổ chức nhân chuyến thăm của chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức cộng hòa Séc. Thật là chuyến đi thú vị đầy cảm xúc. Nhiều tiếp xúc gặp gỡ bổ ích. Những ấn tượng tốt đẹp về Praha, về cộng đồng người Việt mà tiêu biểu là Hội người Việt. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ phác họa những nét sơ lược. Về mảng doanh nghiệp cộng đồng tại Séc tôi chưa đề cập gì cả. Chắc chắn nếu đi sâu sẽ có nhiều thông tin và bài học bổ ích cho các cộng đồng doanh nghiệp tại châu Âu. Hẹn dịp khác.

 

Bucharest 20.5.2015

Phạm Minh Dũng

 

 

 

Một số hình ảnh trong chuyến đi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên kết website