Quê hương là gì hả mẹ mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ mà đi xa ai cũng nhớ nhiều?
Câu hỏi cứ văng vẳng bên tai tôi cho đến mãi tận hôm nay…và tôi cứ muốn nhắc đi nhắc lại thật nhiều lần. Đó cũng là lời mở đầu cho lời dẫn “Đêm hội Áo dài” của CLBPNro chào mừng ngày Phụ nữ Việt nam 20 tháng 10. Và bây giờ mời các bạn gần xa ghé xem màn trình diễn áo dài với tựa đề “Áo dài quê hương” của CLBPNro nhỏ bé của chúng tôi nhé.
Chủ đề “Đêm hội Áo dài” được mở màn với tiết mục ” Áo trắng học trò ” của các cháu thiếu nữ tuổi từ 16 – 20. Nhìn những tà áo trắng ta liên tưởng ngay đến các nữ sinh của trường trung học. Đẹp biết bao! Các cháu được ví như những thiên thần áo trắng quả cũng không sai. Sinh ra và lớn lên ở miền đất lạ với nét mặt hồn nhiên trong sáng của các cháu tôi đoán các cháu thầm ao ước được mặc chiếc áo dài trắng vào những buổi đến trường. Thật cảm động có cháu đã thốt lên rằng: con cám ơn các mẹ đã cho con cơ hội hôm nay được mặc chiếc áo dài này, chiếc áo con rất thích và cũng phù hợp với tuổi của con. Và ngược lại các mẹ cũng cám ơn các con nhiều lắm. Giữa phương trời xa này các con đã đưa các mẹ trở về với cội nguồn, trở về với kỷ niệm thời thơ ấu của các mẹ…Nhớ lắm. Quê hương ơi, nhớ lắm.
Màn trình diễn của các chị mặc áo tứ thân đã cho ta về với vùng quê quan họ, với những câu hát giao duyên chốn đình làng. Các chị với trang phục áo tứ thân áo mớ ba mớ bảy mắt long lanh đong đưa bẽn lẽn như em đi chùa hương vậy. Các chị vẫn giòn lắm, vẫn duyên lắm. Khi các chị cất lên câu hát “Em vẫn còn bé lắm chứ mấy anh ơi” thì không ai nhịn được cười. Vâng em còn bé lắm, em bây giờ mới tròn 50 thôi. Một trận pháo cười vang lên làm không khí hội trường vui hẳn lên. “Quê hưong nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Ai sinh ra và lớn lên giữa vùng quan họ khi xem tiết mục này làm sao mà không nhớ tới vùng quê của mình cơ chứ. Với chất giọng mượt mà ấm áp của chị Hồng Liên, cho ta hiểu sâu thêm ý nghĩa của chiếc áo dài tứ thân, bốn tà tựợng trưng cho “Tứ thân phụ mẫu”, tức là bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng. Khi người phụ nữ khoác lên mình chiếc áo, họ sẽ luôn ghi nhớ phải kính trọng và biết ơn cha mẹ. Ồ thế mới biết từ rất xa xưa cha ông ta đã rất chú trọng giáo dục con cái về đạo làm người qua từng chi tiết nhỏ.
Muôn sắc muôn màu lại một tốp nữa đại diện cho những kiểu áo khác nhau, màu áo khác nhau theo bốn mùa “Xuân hạ thu đông”. Trước mắt chúng ta là những tà áo dài truyền thống cổ cao từ 3 đến 5 phân. Nhìn các chị, ta thấy toát lên vẻ đoan trang, kín đáo, thùy mị của các thiếu phụ xưa ở đất Hà thành. Những bước đi nhẹ nhàng uyển chuyển làm tôn lên vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng của người phụ nữ Việt nam. Đẹp lắm. Cám ơn các chị nhiều. Các chị đã cho khán giả chúng tôi trở về với hồn Việt.
Không những chỉ cho ta chiêm ngưỡng những tà áo dài truyền thống, nét đẹp của người phụ nữ cổ xưa, mà các chị còn cho ta theo kip với xu thế phát triển của thời trang. Chiếc áo dài đã được cách tân và biến hóa mang theo hơi thở mới cho bộ trang phục truyền thống Việt nam thêm sinh động. Đó là những tốp áo dài Mini, áo dài cách tân, với những họa tiết đa dạng. Chiếc cổ cao được thay bằng chiếc cổ thuyền, để lại một bờ vai mềm mại, tròn lẳn trông thật là đẹp. Hay là hai tà không còn dài thướt tha mà được cắt bớt lên quá đầu gối. Với những trang phục này thể hiện rõ cá tính hiện đại, năng động của người phụ nữ thời nay.
Và tôi nói không ngoa rằng ấn tượng nhất đêm nay là màn trình diễn của 3 chị trong BCN trong trang phục áo dài mùa đông. Đâu có kể tuổi tác, trang phục của các chị toát lên vẻ đẹp quý phái sang trọng, lịch lãm của các quý bà.
Ngày cưới nhiều cô dâu không chọn váy nọ đầm kia mà muốn khoác lên mình chiếc áo dài dân tộc với chiếc khăn vành dây hay khăn voan đính hoa trắng. Đây là màn trình diễn của cô dâu mới toanh Phạm Thị Mai mới về nhà chồng được 1 tuần cùng với 1 đoàn tháp tùng tý hon, tung hoa khi cô dâu ra mắt 2 họ. Có tiếng thì thầm: thảo nào mà diễn tự nhiên thế, không gượng gạo chút nào. Trông như một đám cưới thu nhỏ vậy.
Kết thúc buổi trình diễn là màn múa nón của các hội viên trong CLB do biên đạo múa cây nhà lá vườn anh Hùng Huyền đảm nhiệm, đã để lại cho hội trường nhiều ấn tượng khó quên. Hình ảnh chữ S cong cong dáng hình đất nước Việt nam qua hình tượng của chiếc nón bài thơ.
Sân khấu không trang hoàng lộng lẫy, hàng chữ đơn giản “Đêm hội áo dài” và biểu tượng chỉ một nét chấm phá của người phụ nữ mặc áo dài cũng đủ làm cho sân khấu hội trường trang nghiêm và ấn tượng. Để có được buổi trình diễn thành công như thế này cũng không đơn giản chút nào. Đó là sự chung tay góp sức tích cực của tất cả các hội viên tham gia trình diễn, là sự hy sinh, nhiệt tình của ban tổ chức. Các MC Hồng Liên và Ngọc Trúc dẫn chưong trình tỏ ra rất ăn ý không khác gì những MC chuyên nghiệp. Tuy thời gian tập luyện không nhiều chỉ có vài buổi thôi nhưng để lại một thành công quá bất ngờ.
Bucuresti / 26.10.2011
Lê Thanh Hà
Video: sinh hoạt tháng 10 năm 2011 với chủ đề “Đêm Hội Áo Dài”
Một số hình ảnh trong Đêm hội Áo dài