Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Vài suy nghĩ về giáo dục

11:05 chiều | 20/11/2022

  

Sáng nay, 20/11/2022, như thường lệ, tôi đi bộ ra bờ biển tập thể dục. Phấn chấn bước chân trên đôi giày adidas như có lò xo. Vừa mở cửa thấy bốn bà sồn sồn ăn mặc rực rỡ xinh đẹp, cười nói rôm rả, chọn mặt tiền nhà mình làm nền chụp ảnh. Tôi cúi đầu:

– Xin chào. Hôm nay là ngày Nhà Giáo Việt Nam, may quá, sáng sớm đã có người mang hoa đẹp đến chúc mừng. Tôi là thầy giáo, xin cám ơn. 

Ngớ người vài giây, mấy bà cười phá lên: xin chúc mừng thầy. Thì ra mấy bà cũng là cô giáo. 

Lòng vui phơi phới dẫn lối chỉ đường cho tôi muốn viết vài dòng cho vui. Trong đầu tôi hiện lên ngay chủ đề: VÀI SUY NGHĨ VỀ GIÁO DỤC. 

Ông bà ta có câu “không có thầy đố mầy làm nên”. Tôi hiểu là: không có nền giáo dục tốt thì không có xã hội phát triển và văn minh. Chủ đề này thật bao la và khó vô cùng. Tôi còn nhớ ngay từ khi tôi chính thức bước chân vào nghề Giáo, năm 1965, người ta đã nói đến cải cách giáo dục rất  nhiều. Đến bây giờ, sau gần 60 năm rồi, nó vẫn ngổn ngang trăm bề. Vì vậy tôi chỉ dám đề cập đến vài vấn đề thôi. Xin phép không nói về ưu điểm và thành tựu vì người ta đã nói quá nhiều rồi, tôi xin nói về những thiếu sót vì THẤT BẠI DẠY TA NHIỀU BÀI HỌC HƠN THÀNH CÔNG. 

Nền giáo dục Việt nam từ ngàn năm nay cho đến tận bây giờ về cơ bản vẫn là nền Giáo Dục Khoa Cử, trọng Văn Bằng (kể cả khi nó không thực chất), đào tạo ra nhiều Quan và Thầy  hơn Thợ. 

Vua Minh Mạng (trị vì 1820-1841) là người Việt đầu tiên phát triển ý tưởng của Vua Gia Long, mua chiếc tàu thủy cỡ nhỏ của Pháp, tháo ra mày mò học đóng tàu và truyền dạy quân lính đóng được chiếc tàu đầu tiên, vỏ kim loại chạy bằng động cơ hơi nước tháng 4/1839. Lúc này ở nước ta vẫn chưa có các trường dạy nghề chuyên nghiệp. Mãi đến 1898 mới có trường dạy nghề đầu tiên chuyên nghiệp về nông nghiệp và mỹ nghệ theo mô hình nước Pháp tại Hà Nội. Thật quá muộn màng so với phần còn lại của ihế giới. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm cho tới nay, nước ta chưa có một phát minh sáng chế công nghệ nào đáng kể cho nhân loại. Lỗi tại ai? Lỗi chính là cách tổ chức hệ thống giáo dục: Khoa Cử, Trọng Văn Bằng, nặng Lý Thuyết hơn Thực Hành, Lạm phát Quan và Thầy, thiếu Thợ Lành Nghề. 

Phương pháp giáo dục lỗi thời, không phát hiện được thế mạnh tiềm năng của mỗi con người để vun đắp niềm đam mê và phát triển nó, con người có ít cơ hội để sáng tạo, thậm chí nhiều người e ngại đưa ra ý kiến khác biệt. KHÔNG CÓ KHÁC BIỆT LÀM SAO CÓ SÁNG TẠO?! 

Ở đây tôi thấy có lỗi của người thầy. Nhiều thầy giáo không muốn hoặc khó chấp nhận mình sai trước mặt học trò, hoặc không thích học trò hay phản biện (cho là cãi lại thầy). 

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm. Trong một buổi giảng lý thuyết cho lớp toán của khóa đầu tiên sau giải phóng, trường Đại học Sư  Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên Đinh Ngọc Thuật đứng dậy:

– Xin phép thầy, chỗ này em thấy sai ạ. 

Tôi dừng bài giảng, hơi bất ngờ một chút, nhưng không có gì bất thường vì khi ở nước ngoài tôi vẫn thấy cảnh tượng này thường xảy ra ở giảng đường Đại Học. Tôi nhẹ nhàng:

– Tôi hiểu ý em muốn nói gì rồi. Giờ giải lao ta sẽ thảo luận. Mời em ngồi xuống và cả lớp tiếp tục những gì tôi đang giảng, không có gì phải chỉnh sửa cả. 

Giờ giải lao tôi gặp Thuật và giải thích rõ điều em thắc mắc, và nhận thấy Thuật là học trò tiềm năng. Về sau Thuật là học trò cưng, được tôi hướng dẫn làm luận văn tốt nhiệp và được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy. Con hơn cha là nhà có phúc, TRÒ HƠN THẦY LÀ ĐẤT NƯỚC RẠNG DANH! 

Một điều nữa thấy thú vị và đáng nói. Đó là HÔM QUA, HÔM NAY và NGÀY MAI. Thầy Giáo Già, nói chung là Người Già, là Hôm Qua. Người Trẻ là Hôm Nay và Ngày Mai. Chúng ta không sống cho Hôm Qua, mà chúng ta sống cho Hôm Nay và Ngày Mai. Không áp đặt Quá Khứ dù nó có tốt đẹp đến mấy cho thế hệ Hôm Nay và Ngày Mai. Hôm Nay bao giờ cũng hơn Hôm Qua vì nó chứa đựng Hôm Qua, và Ngày Mai đương nhiên hơn Hôm Nay. Thế hệ Trẻ là Hôm Nay và Ngày Mai, họ không thể chỉ làm được những gì ông cha họ đã làm hôm qua, mà phải làm được nhiều hơn hôm qua, và ngày mai phải nhiều hơn nữa. Nếu chỉ làm y hệt những gì ông cha đã làm hôm qua thì làm sao họ có thể hơn hôm qua được. Thầy giáo giỏi là người biết nâng cánh cho học trò bay xa, bay cao hơn mình và sớm hạ cánh để học trò tiếp tục bay cao, bằng không mình là vật cản cho học trò. 

Những điều tôi ngẫm nghĩ trên đây nó hiển nhiên mà ai cũng thấy bình thường như hít thở oxy (khi không đeo khẩu trang). Nhưng với tư duy của một ông già lẩm cẩm 81 tuổi, tôi lại thấy thú vị và muốn chia sẻ cùng các bạn.

 

20/11/2022.
Trần Đình Trúc

 

 

 

 

Liên kết website