Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Trung thu trên đất nước Romania

10:17 chiều | 26/10/2012

 

Trung thu là của bé!

 

Mặt trời còn tỏa nắng 
Hoàng hôn vẫn chưa về 
Mà bé luôn nũng nịu 
Dục mẹ nhanh, nhanh lên 
Tối nay có rước đèn 
Trung thu vui, vui lắm!

Mẹ cười, ngoái nhìn bé 
Đội chiếc mũ tai bèo 
Mặc chiếc quần xanh treo 
Có chú mèo phơi nắng 
Dưới bầu trời trong veo 
Và một đôi bướm trắng 
Vờn cành hồng xa xa…

Mẹ bảo rằng con ơi 
Con vẫn đang còn bé 
Cầm sao nổi đèn cầy 
Đèn ông sao mà rước?

Bé phụng phịu – ứ, được, 
Các anh, chị đi trước 
Con cứ bước theo sau 
Đèn xanh đỏ sắc màu 
Thích, thích ơi là thích!

Nhìn con, mẹ hạnh phúc 
Con tôi thật đáng yêu 
– Đến giờ rồi con ơi 
Nhanh lên, không kẻo muộn.

Bé reo lên, sung sướng 
Trung thu là của con ! 
Rồi vội chạy lon ton 
Mẹ ơi, đi mẹ nhé 
Mọi người đang đợi bé 
Đừng đến muộn mẹ ơi 
Trăng sáng cả bầu trời 
Để chúng con múa, hát .

 

Bucharest, Tết Trung Thu 2011 
Bùi Quang Minh

 

***

 

Trung thu này con hát

 

Từ trong tiếng hát mẹ ru 
Ông trăng sáng tỏ Trung thu đêm rằm 
Mẹ thương con có hay chăng 
Đèn sao con rước chị Hằng về quê 
Chị Hằng sẽ rất say mê 
Tiếng ru của mẹ hát về tương lai 
Hát rằng hạt lúa củ khoai 
Đã nuôi đất nước rộng dài thênh thang 
Và con hát với chị Hằng 
Tình yêu Tổ quốc ngang bằng núi sông 
Rồi con hát với ước mong 
Gửi ông bà cả tấm lòng yêu thương 
Nhắn tin các bạn cùng trường 
Ở xa rất nhớ quê hương chúng mình 
Trung Thu trống ếch xập xình 
Nhớ trăng vàng nhớ lung linh ánh đèn…

Nhắn ai xa hãy đừng quên 
Trung Thu là Tết cổ truyền trẻ thơ

 

Bucarest, 24/9/2012 
Phạm Quang Thu

 

***

 

Trung thu trên đất Rumania.

    Nhìn những sạp bán bánh Trung thu đủ thương hiệu, đủ màu sắc bên đường, tôi lại nôn nao nhớ mùa Trung thu năm ấy. Vậy là đã mười năm về với Sài Gòn, mười năm rời đất nước Rumania, những kỷ niệm ngọt ngào vẫn còn nguyên vẹn. Với những đứa trẻ sống trên quê nhà, Trung thu là một ngày lễ lớn và đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, quen thuộc. Nhưng với những đứa trẻ Việt Nam ở nước ngoài thì luôn là một điều bất ngờ và mới mẻ. Tết Trung thu là Tết chỉ dành riêng những đứa trẻ Việt ở xứ người.

    Tôi nhớ năm đó, việc đi về Việt nam chưa nhiều và thường xuyên như bây giờ. Với hai mươi ký hành lý hàng chậm nên mọi người phải đắn đo nhiều lắm. Nhưng tôi là người có chuyến đi về Rumania gần với ngày Trung thu nhất. Tôi được giao nhiệm vụ mang đèn lồng và bánh Trung thu cho những “mầm non quý giá “của Cộng đồng người Việt trên đất Rumania.

    Chuyến đi của tôi cũng là một kỷ niệm không thể quên. Quá cảnh qua hai sân bay mà tôi vẫn ôm khư mấy cái đèn, mặc cho mọi người nhìn ngó. Những chiếc đèn hồi đó làm thủ công nên phải nâng niu, cẩn thận để không bị hỏng. Không đẹp và hiện đại, tiện lợi như lúc này. Không thể làm quà cho mỗi đứa một cái đâu. Chỉ mang được năm cái đèn lồng, mỗi cái một kiểu để mọi người có thể nhìn và làm theo mẫu. Trước ngày Trung thu cả tuần là cả cộng đồng đã xôn xao chuẩn bị. Mọi người mua giấy màu, nến và keo dính để bắt đầu các tác phẩm của mình. Các bố và các con thì tíu tít với việc cắt cắt, dán dán, vừa làm vừa kể chuyện quê nhà. Các mẹ thì xúm xít nấu món Việt để chiêu đãi “nhóm thợ”. Tôi nhớ là hồi đó còn phải vào rừng để tìm những cành cây tươi làm khung đèn để đủ độ dẻo. Bên đó đâu có cây tre như bên nhà mình. Bánh Trung thu chỉ mang theo mấy hộp vì sợ quá cân. Mỗi hương vị vài cái để mọi người có cơ hội nếm thử. Món bánh dẻo truyền thống vẫn được ưu tiên nhất. Hồi đó bánh cũng chưa đa dạng và phong phú như bây giờ.

    Ngày Trung thu là một ngày đặc biệt vì mọi người xung quanh không biết ngày lễ gì. Các bạn người Rumania cứ hỏi đi hỏi lại khiến cho trẻ con nhà mình cũng không thể giải thích được. Nhưng đứa nào cũng hăm hở để được cùng bố mẹ lên Đại sứ quán. Căn biệt thự của Đại sứ quán Việt Nam tại Rumania cho đến bây giờ vẫn luôn là một ngôi nhà lớn ấm cúng của những người Việt xa quê.

    Những chiếc bánh Trung thu được mọi người nâng niu, còn hơn cả nâng trứng vì nó thật hiếm hoi. Ở Châu Âu có thể tìm được các loại bánh ngọt nhưng riêng bánh Trung thu thì không thể nào có được. Mấy bà mẹ khéo tay đã cắt bánh thành những lát mỏng. Mỏng tới mức mọi người cứ sợ mình mạnh tay sẽ vỡ vụn, nhân một nơi và bánh một nơi. Mấy đứa trẻ còn thò tay vào quyệt chút bánh rơi ra ngoài. Bỏ ngón tay trỏ vào mồm mút mút và đầu gật gù tấm tắc. Những lát bánh với nhân đủ vị được bọc bởi lớp vỏ nâu thơm ngon thật bắt mắt. Người lớn còn thèm chứ nói chi là trẻ con.

    Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, kích cỡ và hình dạng khác nhau, tất cả đều phụ thuộc vào bàn tay khéo léo hay vụng về của những nghệ nhân nghiệp dư nhiệt tình và sáng tạo. Bọn trẻ con sắp hàng rồng rắn, chen nhau không chịu theo thứ tự. Có đứa mới chập chững đi phải níu tay mẹ, có đứa cao lồng ngồng vẫn cố chen hàng với mấy đứa lít nhít mới tới hông mình. Chúng hát líu lo vừa tiếng Tây vừa tiếng Việt. Vui quá nên chúng quên mất cả nguyên tắc sắp hàng.

    Vui nhất là lúc lễ rước đèn được tuyên bố, cả người lớn và trẻ con đều hân hoan. Sân toà Đại sứ ngày thường rộng thế mà hôm ấy quá chật với đoàn diễu hành cùng những chiếc đèn đủ màu xanh đỏ. Chúng nó hoay hoay đi một vòng rồi cả hội lao ra cổng chính và “rồng rắn lên mây” trên đường phố. Người lớn hốt hoảng sợ xe cộ nguy hiểm nên cũng vội lao theo. Nhưng một bất ngờ là tất cả xe ô tô dừng lại nhường cho “con rồng” sặc sỡ đủ màu lạ mắt và rất đặc biệt “có một không hai” . Các chú Tài xế còn vẫy tay chào những ngọn đèn lung linh nhấp nhô lạ mắt. Các thành viên của đoàn diễu hành được dịp giơ cao những chiếc đèn lồng kiêu hãnh. Có lẽ ít người biết được hôm ấy là một ngày Tết của thiếu nhi Việt nam.

    Những đứa trẻ rước đèn năm nào nay nhiều đứa đã trưởng thành. Có đứa sang Anh, Úc, Mỹ học và có đứa theo bố mẹ về Việt Nam sinh sống. Nhưng có lẽ ngày hội rước đèn Trung thu sẽ mãi mãi là một kỷ niệm đẹp. Vị bánh Trung thu năm nào vẫn còn ngọt ngào và nhớ mãi, không thể nào quên.

    Tôi ghé chọn mua hộp bánh Trung thu, hy vọng sẽ có người sang bên đó để gửi qua cho mấy đứa nhỏ.

 

Sài gòn, Trung thu 2012
Võ Thị Minh Huệ

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên kết website