Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Trao đổi về Giáo Dục

8:36 chiều | 16/08/2021

 

Có lần, trong lúc chờ đón con gái về muộn từ 1 cuộc dã ngoại, tôi ngồi cùng 1 nhóm phụ huynh. Khi câu chuyện vãn đi đến phần nhà trường thời nay, thời trước của các bậc cha mẹ, tôi tranh thủ giải tỏa thắc mắc suốt gần 2 tour làm phụ huynh của mình, rằng tại sao tất cả các lớp học mà tôi nhìn thấy đều không có bất cứ 1 khẩu hiệu (slogan) nào.  

Lúc đó, dường như mọi ánh mắt đều đổ dồn về tôi. Tôi hơi luống cuống nên cố giải thích. Bởi tôi là người nước ngoài, không sâu sát lắm xã hội Romania nên muốn biết mục tiêu của giáo dục thời điểm hiện tại để định hướng cho con mà thôi. Tôi nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy, bởi cuộc nói chuyện đã thực sự làm tôi chấn động và bỏ công tìm hiểu suốt thời gian sau này, về sự khác biệt quá lớn, mà tới lúc đó tôi mới bắt đầu nhận ra.

 

 

Hôm đó, để mọi người hiểu hơn, tôi đã google những lớp học ở Việt nam và dịch vài khẩu hiệu như: “Traieste, lupta, lucreaza si studiaza dupa exemplul …”, “Studiaza bine, preda bine in competitie ” v.v… Mọi người có mặt đã xôn xao bàn tán. Có phụ huynh lớp khác còn hỏi bà đến từ Korea de North? Lúc đó tôi chỉ nghĩ việc nhầm lẫn giữa những người châu Á là bình thường, thậm chí có người còn kêu lên “Doamne!”(Chúa ơi!).

 

 

Một phụ huynh đã giải thích cho tôi, rằng slogan là ý chí của 1 nhóm người trong 1 khoảng thời gian nhất định nên không thể nào đặt trong lớp học, nơi học tập của những học sinh dưới 18 tuổi, lứa tuổi chưa trưởng thành. Bà ấy còn hỏi tôi, có biết về Khổng tử không (Confucius)? Rằng trong lĩnh vực giáo dục Romania, rất nhiều người biết câu nói của ông “Natura ne aseamana, educatia ne deosebeste!”. Rằng tại sao các bạn cũng ở châu Á nhưng những slogan bạn vừa dịch lại đi ngược tinh thần ấy!

 

 

Rất may, tôi có nhiều người bạn Romania, những người quan tâm và hiểu biết về giáo dục. Qua họ, tôi đã hiểu rằng, mọi hoạt động của 1 sự sống đều xuất phát từ bản năng do “cần”(nevoie) để tồn tại: ăn để sống (rễ để hút dinh dưỡng), da để ấm (rụng lá mùa đông).v.v.. Những sinh vật trên trái đất để tồn tại vẫn sống với nhau hòa thuận, các con vật sống trong ranh giới bầy đàn, các loài cây chia tầng cao thấp…

 

 

Nhưng riêng với con người, do bộ não phát triển nên ngoài hành động cho việc “cần”, họ lại dần bị thôi thúc do “muốn”(vreau): muốn dự trữ thức ăn cho những ngày khắc nghiệt, muốn giàu có, muốn quyền lực…. và dẫn đến để thỏa mãn lòng tham không đáy, lịch sử đã chứng minh những điều oan nghiệt do chính con người gây ra. Cũng vì thông minh, nên loài người cảm giác được cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Từ đó giáo dục ra đời nhằm để con người được hạnh phúc hơn. Giáo dục là hướng những sự “muốn” của loài người vào mục đích cao đẹp, làm cho thế giới không còn chiến tranh, chết chóc, áp bức, hủy diệt…

Vậy nên giáo dục là khi còn nhỏ, trẻ em sẽ được người lớn đảm bảo mọi sự “cần”(no đủ cả về vật chất lẫn tinh thần), hướng sự “muốn” của “tham, sân, si” thành muốn làm điều tốt, điều hay, muốn san sẻ tình yêu thương cho tất cả muôn loài, và khi trưởng thành góp phần cùng nhau tạo nên một thế giới tươi đẹp. Giáo dục là hoạt động của riêng con người, là quá trình biến cái “muốn” bản năng thành sự “cần” cho tinh thần, đơn giản để làm người chính là việc hoàn thiện quá trình chuyển đổi đó!

Thế giới muôn màu muôn vẻ, nên giáo dục cũng chính là quá trình con người phát hiện ra tiềm năng mà tạo hóa (Chúa) sinh ra để nỗ lực phát triển trên chính bản thân, cống hiến khả năng đó cho cuộc đời, chứ không phải là thi đua vượt trên người khác, (kiểu như con cá làm sao “thi đua” leo cây với con sóc vậy!).

 

 

Nền giáo dục Romania kể từ khi gia nhập vào khối EU đã tích cực chuyển biến theo xu thế hiện đại. Phương pháp tự học (autoinvatare) được áp dụng ngày càng triệt để. Với các lớp nhỏ, khi nhận thức của các bé chủ yếu là tư duy trực quan sinh động thì việc học diễn ra thông qua giao tiếp, các trò chơi, các hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn… Chương trình chính khóa giảm nhẹ. Các sân chơi công cộng được xây mới và tôn tạo khắp nơi. Các nhà máy, công xưởng sản xuất được khuyến khích có chương trình tham quan cho học sinh. Những hành động thiếu giáo dục nơi công cộng luôn bị hạn chế … Bà con chúng ta trong cộng đồng chắc đều nhận thấy tất cả những điều này.

 

 

Chúng ta đều biết châu Âu (Tây Âu) là chiếc nôi văn minh của nhân loại. Và nền giáo dục Romania đang từng bước hoàn chỉnh con đường đưa đất nước của mình về đích văn minh ấy.

 


 

Thật xót xa khi nghĩ về tâm nguyện của cụ Hồ cho tương lai nước nhà.
Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không,… khi con đường học tập của các cháu đã rất khác với các cường quốc năm châu!

 
 
16/08/2021.
Thái Hằng

 

 

 

 

 

Liên kết website