Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Khám bệnh ở Ru: phức tạp thế nào, đơn giản ra sao?

10:33 chiều | 28/06/2022
 

Khi bạn ở Việt Nam, nếu không phải là người hay đi khám bệnh hoặc hay đưa người thân đi chữa trị, thì khi thả bạn ở giữa bệnh viện Chợ Rẫy hay Bạch Mai, phần lớn chúng ta đều lúng túng như gà mắc tóc thôi. Chỉ có điều ở Việt Nam chúng ta còn dùng miệng hỏi được, dùng tay tra thông tin được vì thành thạo ngôn ngữ. Còn ở Ru thì ngay cả những người biết tiếng Ru cũng chưa rành hết các thuật ngữ dùng trong y học, chưa biết tiếng thì càng khó hơn. Ngoài ra mỗi ca mỗi cảnh, rất có thể khi bạn đi khám hay điều trị sẽ gặp nhiều tình huống khác nhau.

 

 

1/ Bảo hiểm y tế công và Bảo hiểm y tế tư

Để dùng được Bảo hiểm y tế (BHYT) công, là loại Bảo hiểm toàn dân, phổ biến nhất ở Ru, thì bạn sẽ phải sử dụng ở các bệnh viện công. Trước khi theo BHYT công, mình cũng định mua BHYT tư với tư tưởng khá Việt Nam là “đi bệnh viện tư cho nó sướng”. Nhưng sau khi dành thời gian tìm hiểu thì thấy không có một BHYT tư nào tốt hơn BHYT công cả, tính về nhiều mặt như giá cả, chế độ bảo hiểm… Do đó mình vẫn dùng BHYT công như bao người khác.

 

2/ Bác sĩ gia đình

– Sau khi bạn có BHYT, điều đầu tiên bạn cần làm là bạn phải đăng ký với một bác sĩ gia đình (BSGĐ). Hệ thống y tế Ru giống đa phần các nước phương Tây ở việc sử dụng BSGĐ như cửa ngõ đầu tiên để bệnh nhân tiếp cận. Mô hình này có người khen người chê, nhưng theo ý kiến cá nhân của mình thì nó tốt.

– Bạn có thể chọn bất kỳ BSGĐ nào, miễn là bác sĩ đó còn chỗ để nhận bạn. Một BSGĐ ở Ru sẽ giới hạn quản lý một lượng bệnh nhân nhất định. Đặc biệt các bác sĩ tốt ở nơi dân cư đông thì thường hết chỗ vì các gia đình sẽ đăng ký cả nhà cùng một bác sĩ để tiện theo dõi điều trị. Vì vậy người ta thường chọn BSGĐ theo tiêu chí gần nhà, còn chỗ, và các thành viên khác đang sử dụng bác sĩ đó thấy ok, đơn giản là vậy. Dù bạn có đăng ký BHYT xong, nhưng nếu bạn chưa có BSGĐ thì coi như vẫn chưa có bảo hiểm.

 

3/ Khi bị bệnh thì sao?

Bệnh ở đây mình sẽ chia thành 2 dạng: cấp cứu và không cấp cứu.

a/ Nếu cấp cứu, bạn sẽ gọi 112 và được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế của khu vực nơi bạn bị bệnh. BHYT sẽ chi trả cho bạn các khoản chi phí điều trị cho đến khi bạn bình phục. Nhưng từ khi điều trị đến bình phục hoàn toàn, có thể có những chi phí mà BHYT sẽ không thanh toán cho bạn.

b/ Với các bệnh không cấp cứu, từ nhẹ đến nặng, việc đầu tiên bạn phải làm là hẹn gặp BSGĐ. Phần lớn các phòng khám của BSGĐ thiên về tư vấn, khám tổng quát, không có điều trị, nên việc chờ đợi cũng không thành vấn đề lắm. Khi vào gặp BSGĐ, bạn sẽ được kiểm tra các thông số cơ bản như huyết áp, cân nặng, một số cơ sở y tế có thể soi, chup… nếu bệnh nhân cần, và bạn phải trả lời họ về bệnh tình của bạn. Sau đó, BSGĐ sẽ đưa ra một số lựa chọn cho bạn về bệnh viện (Spital) hay phòng khám (Clinica) chuyên cho bệnh của bạn, hoặc bạn có thể đề nghị một bác sĩ chuyên khoa (bác sĩ ở bệnh viện công) mà bạn quen biết. BSGĐ sẽ cho bạn giấy giới thiệu (Bilet de trimitere) đến đó. Lưu ý là cơ sở y tế đó phải chấp nhận giấy giới thiệu này, bởi vì không phải bệnh nào của bạn, cũng như không phải cơ sở y tế nào cũng chấp nhận giấy giới thiệu này (có nghĩa là bạn không được Bảo hiểm thanh toán).

– Khi có giấy giới thiệu của BSGĐ, bạn cần phải đặt lịch hẹn gặp bác sĩ tại cơ sở y tế đó. Bác sĩ chuyên khoa đó sẽ đưa ra 1 phác đồ điều trị cho bệnh của bạn: các bước phải tiến hành, các xét nghiệm cần làm, kê đơn thuốc, các thời gian tái khám… Nếu thời gian trị bệnh kéo dài, hoặc bạn phải khám thêm ở các khoa khác, bạn cần đến BSGĐ để xin lại giấy giới thiệu phù hợp. Bạn nhớ phải đưa cho BSGĐ xem hồ sơ bệnh án mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa bạn trước đó. Cách làm này tuy mất thời gian nhưng lại giúp BSGĐ và bác sĩ tại cơ sở y tế theo dõi sát sao được bệnh của bạn.

Chú ý: tùy từng loại bệnh, có thể bạn phải chi trả thêm cho một vài xét nghiệm, chụp chiếu ngoại lệ (Bảo hiểm không trả).  

*** Nếu phải nhập viện công để phẫu thuật hay thủ thuật gì đó thì hầu hết Bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ các chi phí. Chính vì bệnh nhân được điều trị qua các bước trên rồi mới đến giai đoạn nhập viện nên bệnh viện công ở đây cũng không quá đông như bệnh viện công ở Việt Nam. Tình trạng “đút lót” ở các bệnh viện công tại Ru cũng có nhưng không nặng nề như ở Việt Nam. Nhân viên y tế ở Ru nhiệt tình, không quát tháo bệnh nhân như ở Việt Nam. Hơn nữa bệnh nhân ở Ru không phải dạng “cam chịu” lắm đâu. Còn bệnh viện công ở các tỉnh nhỏ thì trông xấu hơn nhưng cũng không tệ lắm. Hồi ở Việt Nam mình đi bệnh viện tư An Sinh còn thấy đông và hỗn loạn hơn.

*** Khi đi khám bệnh, bạn nên có người biết tiếng Ru đi cùng, bởi vì kể cả giao tiếp bằng tiếng Anh với các bác sĩ cũng bị hạn chế rất nhiều. Bạn cần nhờ người có thời gian một chút vì việc chữa bệnh khá mất thời gian.  

– Nhiều người nước ngoài ở Ru có điều kiện kinh tế tốt, thấy mệt mỏi với quy trình khám công lằng nhằng nên đa phần sẽ chọn Bảo hiểm tư, hoặc không xài bảo hiểm luôn. Chẳng may ốm, họ vào thẳng bệnh viện tư khám, vừa sử dụng được tiếng Anh mà dịch vụ lại nhanh gọn. Nếu họ là người thuộc khối EU, họ có thể về nước của họ khám vừa nhanh gọn lại thuận lợi. Tuy người làm việc ở Ru đều phải mua Bảo hiểm (bị trừ trong lương) nhưng không phải ai cũng dùng. Lưu ý, khám tư vẫn phải đặt lịch. Văn hoá đặt lịch thì hầu hết nước nào quanh đây cũng đều có rồi.

 

*** Đối với những người sang Ru công tác hay làm việc có thời hạn, theo quan điểm cá nhân của mình thì:

– Cố gắng đừng để bị bệnh ở xứ người, nhất là khi bạn sang đây một mình.

– Nếu bạn là người có điều kiện kinh tế (sang Ru làm chuyên viên chuyên ngành, hay kinh doanh thu nhập tốt), nên dắt túi thêm 1 cái bảo hiểm tư cho thuận tiện, còn nếu bệnh không nghiêm trọng thì nên đến cơ sở y tế tư nhân khám cho nhanh, không cần Bảo hiểm luôn (như nhóm Người xa xứ- expats ở đây).

– Nếu bạn có bạn bè thân người Ru, hay gia đình người Ru thì nên tận dụng ưu thế của Bảo hiểm công, nó sẽ đỡ cho bạn nhiều khoản tiền lớn vì chi phí y tế tư ở Ru và EU nói chung khá đắt đỏ.

– Nếu bạn cần phải làm các loại phẫu thuật, thủ thuật phức tạp…, và nếu không quá gấp hoặc không nguy hiểm tính mạng, thì bạn nên về Việt Nam làm. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn, chi phí rẻ hơn, lại có người nhà chăm sóc.

 

*** Đối với những ngưởi có thẻ cư trú lâu dài tại Ru thì nên làm BHYT. BHYT sẽ giúp giảm chi phí rất lớn. Hơn nữa việc làm BHYT cũng không phức tạp. 

 

 

Bucharest, 28/06/2022.

(Theo tin từ Nhật Phạm)

 

 

 

 

 

Liên kết website