Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Bucuresti (người Pháp gọi Bucarest, người Anh gọi Bucharest) để du học. Sau khi tốt nghiệp về nước, cũng đã 3 lần trở lại thăm trường cũ, gặp mặt thầy cô và bạn bè cùng lớp. Vậy mà tôi vẫn chưa viết được chữ nào về nơi đã cưu mang mình suốt những năm đại học. Bài viết này của tôi vừa để trải lòng mình, vừa như lời tri ân Bucuresti, thành phố tôi yêu.
Tôi yêu Bucuresti, thành phố có lịch sử lâu đời với cái tên ban đầu là Dâmbovita. Mãi đến năm 1459, dưới thời vua Vlad Tepes, người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc xâm lăng của đế chế Ottoman, bảo vệ vùng đất Wallachia tức lãnh thổ Romania bây giờ, Dâmbovita mới mang tên Bucuresti. Ông vua này cũng là cảm hứng cho nhà văn Bran Stoker viết nên tiểu thuyết “Dracula” (Ma Cà Rồng) huyền thoại với lâu đài “Castle Bran” bí ẩn gần thành phố Brasov xứ Transilvania. Năm 1862, Bucuresti trở thành thủ đô của Romania.
Tôi yêu Bucuresti, thành phố rộng chừng 230 km2, dân số khoảng 3 triệu người nằm dọc theo sông Dâmbovita. Qua thời gian, Bucuresti phát triển thành trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tể lớn nhất nước. Các công trình xây dựng của thành phố như lâu đài, nhà cửa, phố xá, nhà thờ, tu viện…chịu ảnh hưởng của từng thời kỳ lịch sử, mang dáng dấp của kiến trúc Byzantine, Baroque, Roma, Ottoman từ thời trung cổ và cả Tân Nghệ thuật. Chả thế mà Bucuresti từng được ví là ”Parisul de Est” (Paris phía Đông), hoặc ”Micul Paris” (Paris Nhỏ). Đến Bucuresti, khách du lịch có thể nhầm tưởng như đang đứng ở đâu đó bên Paris, Rome, Florence hay Milan.
Tôi yêu Bucuresti, thành phố xinh đẹp nhiều công viên cây xanh và hồ nước như Cismiziu, Herăstrâu, Libertătii, Lacul Tei, Băneasa, vườn Thực vật Botanică Cotroceni…mà ở đó tôi và bạn bè nhiều lần đi dạo. Tôi yêu đại lộ Soseaua Kiseleff chạy qua khu villas cổ kính, qua Khải Hoàn Môn để vào trung tâm. Tôi yêu khu phố cổ có những con đường tấp nập cửa hàng cửa hiệu như Lipscani, những phố Doamnei, Covaci, Gabrovenii, Franceza… lát đá xanh từ thời trung cổ; nhà thờ St. Antonie Curtea Veche, nhà thờ Stavropoleos Monastery, nhà thờ St. Nicholas còn gọi nhà thờ sinh viên vì trước mỗi kỳ thi họ hay đến đây cầu Chúa phù hộ; bảo tàng Lịch sử ”Muzeul National de Istoria Romaniei”, bảo tàng Nghệ thuật ”Muzeul de Art”; phòng hòa nhạc giao hưởng “Anteneul Roman” và các nhà hàng cổ xưa “Hanul lui Manuc”, “Mahala” hay “Lactimi si Sfinti” (Nước mắt và các vị Thánh)…. Đó là những gì còn sót lại sau trận động đất kinh hoàng năm 1977. Tôi ngưỡng mộ công trình Ngôi nhà của Nhân dân ”Casa Poporului” hay còn gọi Nhà Quốc Hội “Casa Parlamentului” cực kỳ to lớn hiện đại xây dựng dưới thời ông Ceauceascu.
Tôi yêu Bucuresti, thành phố có Trường Dầu IPGG nơi tôi theo học, nơi giáo sư Sưrbu dạy tiếng, giáo sư Pôpa dạy toán, các giáo sư Codarcea, Stănescu, Lăzărescu, Pôpôvich, Harnas, trợ giảng Mercus và nnk đã đào tạo tôi trở thành kỹ sư sau 6 năm ròng trong đó có 1 năm học tiếng. Tôi vẫn nhớ năm chuẩn bị, hàng ngày từ Block B ký túc xá “Grozăvesti”, còn từ năm thứ nhất đến năm thứ năm đại học lại từ Block L ký túc xá “Regie” trên đường Splaiul Independentiei nhảy tàu điện qua hơn chục ga, xuống ga gần công viên Cismiziu. Từ đó cuốc bộ cỡ 2km dọc theo đường Regina Elizabeta chạy bên hông ”Casa Armatei” (Nhà Quân Đội) đối diện cửa hàng bán đồ trẻ em “Magazinul Copiilor” băng qua đường Calea Victoriei, men theo phố Edgar Quinet, qua đại lộ Nicolae Bălcescu rồi rẽ trái chừng hơn 100m tới cổng trường tại số 6 phố Traian Vuia. Mùa Xuân, Hè, Thu tiết trời ấm áp đi học còn vui vẻ chứ mùa đông băng tuyết trắng xóa thì không dễ chịu chút nào nhất là khi đứng lâu đợi tàu điện, miệng thở ra khói, hai chân tê buốt phải nhảy nhảy cho đỡ cóng.
Tôi yêu Bucuresti, thành phố có con sông Dâmbovita chảy qua giống như Paris Pháp có sông Seine, Ljubljana Slovenia có sông Ljubljanica vậy. Dâmbovita dài gần 290km, bắt nguồn từ núi Fărăgas chảy qua Bucuresti hợp lưu với sông Arges tại Călărasi. Con sông này không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố mà còn là điểm nhấn tạo nên cảnh quan thơ mộng của Bucuresti, niềm cảm hừng cho nhiều bài thơ bài hát ra đời. Sáu năm ở Bucuresti, hầu như ngày nào tôi cũng đi tàu điện dọc theo bờ sông này để đến trường nên tôi thường nghe những câu hát rất ngọt ngào: ”Dâmbovita, ape dulce/ Cine o bea, nu se mai duce” (Nước sông Dâmbovita dịu ngọt/ Ai uống một lần sẽ chẳng thể nào đi). Những lần trở lại Bucuresti, lần nào tôi cũng lang thang bên dòng sông chất chứa bao kỷ niệm này, quyến luyến chẳng thể rời đi.
Tôi yêu Bucuresti, nơi có những người bạn chân tình cùng học thuở sinh viên. Những Bogdan Bordeanu, Oană Gheorghe, Bădescu Constantin, Mihaela Dusulescu, Luca Vasile, Aurelia Sandu… Năm 2012, sau 40 năm tốt nghiệp trở lại gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng dù đã có người đi xa, dù tóc đã hoa râm. Tôi đặc biệt cảm động trước tình cảm nồng ấm của vợ chồng Bădescu Constantin, của chị em Mihaela và Ruxandra bạn tôi; của vợ chồng Ion Nelu, Duinea Mihai, Picu Irinel bạn vợ tôi. Lần trở lại năm 2013 tôi còn gặp họ, còn được đến thăm nhà và ăn cơm với nhau vậy mà năm 2016 thì Mihaela và Bădescu đã đi xa, tôi chỉ gặp lại bạn mình nằm bên những nấm mồ lạnh giá trong nghĩa trang, cả Ion Nelu cũng không còn nữa. Cũng năm 2016, vợ chồng tôi và vợ chồng Ruxandra & Christian cùng vài người bạn Việt Nam còn vui vẻ một tuần đi thăm Transilvania vậy mà Christian bây giờ cũng đã về với Chúa. Cuộc đời thật quá vô thường!
Tôi yêu Bucuresti, nơi tôi được trải nghiệm cuộc sống nghèo khó của sinh viên. Sinh hoạt phí hàng tháng được 750 lei thì đã mất 500lei mua phiếu ăn, còn lại 250lei cho sách vở, quần áo, dày dép, đi lại… Nghỉ hè, nhà trường phát tiền luôn cả 3 tháng nên đi thực tập hoặc đi chơi còn rủng rỉnh tiền tiêu. Cuối hè đi thực tập về nếu còn tiền thì đi chợ Piata Unirii mua cá chép sống, thịt, gà, rau cỏ về nấu ăn tươm tất, hết tiền thì gặm bánh mì hoặc mì sợi suông thay bữa. Tôi và các bạn Việt Nam không thể “mặt dày” như một số sinh viên Romania ra cantin vét thức ăn thừa hết ngày này đến ngày khác. Thực ra các anh bạn này đã bán phiếu ăn lấy tiền tiêu chứ không phải nghèo khó gì. Chắt chiu tằn tiện lắm mới đủ tiền sắm bộ véc mới thay bộ véc được phát từ nhà đã nhăn nhúm bóng nhẫy hoặc thay đôi dày há mõm do không chịu nổi băng tuyết mùa đông ẩm thấp.
Tôi yêu Bucuresti bởi thành phố này cho tôi trải nghiệm một năm có 4 mùa khác biệt. Mùa đông lần đầu thấy tuyết rơi, tôi và bạn bè đã chơi thâu đêm thích thú bốc tuyết ném nhau hay trượt trên băng. Lại có những ngày co ro đi học dưới mưa tuyết quất vào mặt hoặc lạnh cóng đôi chân khi đứng chờ tầu điện. những kỳ nghỉ đông tuyệt vời trên núi Sinaia. Mùa xuân tuyết tan, hoa cỏ bỗng chốc nở bùng lên, nhất là hoa hồng trong sân ký túc xá. Từng đôi nam nữ sinh viên bạn cởi trần ôm nhau vừa học bài vừa phơi nắng và ai đó mở đài nghe giọng ca của Margareta Pâslaru: ”Dacă nu iubesti/ Dejeaba mai trăiesti/ Zori si trandafiri/ Dejeaba mai admiri” (Nếu mà bạn không yêu/ Sống cũng hoài vô ích/ Bình minh và hoa hồng/ Ngắm còn chi thỏa thích). Mùa hè nắng chói chang bắt đầu bằng lễ Phục Sinh nhuộm trứng của các bà các chị người Romania; những ngày tôi tham gia gặt lúa mì ở Bărăgan, hái cà chua ở ngoại ô, đi nghỉ biển ở Costinesti hay đi thực tập địa chất ở vùng núi Carpati. Mùa thu lá vàng nhuộm khắp các vạt rừng trong công viên. Tôi và em hạnh phúc khoác vai cùng nhau đi dạo trên những lối mòn sào sạc lá khô khác hẳn những câu thơ buồn của Mihai Eminescu; ”Ca frunzele uscate/ Căzând de-un rece vânt/ S-au dus nadejdile toate/ In mormânt, in adânt mormânt” (Như những chiếc lá khô/ Rơi trong chiều se lạnh/ Mang theo niềm hy vọng/ Xuống mồ sâu, mồ sâu*)
Tôi yêu Bucuresti, nơi có những tuyến xe điện, xe bus chằng chịt giúp sinh viên chúng tôi đi lại thật dễ dàng. Những lần trở lại sau này tôi thấy ngoài tàu điện trên mặt đất còn có tầu điện ngầm “Metro”. Tôi nhớ tháng Ba bắt đầu là mùa Xuân, là mùa “Mărtisor”, đám trẻ con Digan lên tầu điện hát vài câu dân ca Romania, chúc sức khỏe, hạnh phúc, sống lâu” Tare ca fierul, Iute ca săgetul, la multi ani!” (rắn như sắt thép, nhanh như mũi tên, chúc sống lâu!) rồi bán đồ lưu niệm là các cuộn chỉ tết lại màu đỏ, trắng, chiếc chuông nhỏ xíu. Và sinh viên chúng tôi không ai là không biết cách trốn vé tàu và ai cũng biết biết nghêu ngao câu hát; ”Du-mă acasă, măi tramvai/ Du-mă acasă, ce mai stai?/ Du-mă la căsuta mea/ Cu portită si cismea…” (Tàu điện ơi, hãy đưa tôi về nhà/ Đưa tôi về nhà đi, tại sao dừng lại?/ Hãy đưa tôi về căn nhà nhỏ/ Có chiếc cổng và vòi nước nhỏ xinh).
Tôi yêu Bucuresti, nơi có rất nhiều cô gái đẹp ở tuổi trăng tròn. Thỉnh thoảng ngang qua trường trung học “Lyceu” giờ tan lớp, cả một đám đông nữ sinh ùa ra đẹp như một rừng hoa hồng! Lũ thanh niên nhà quê mới lớn chúng tôi cứ há hốc mồm ra nhìn, và các cô gái ấy cũng “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy mấy anh chàng trông giống Digan tóc đen nhưng tiếng Romania tán như gió! Tôi nhớ Gică Petrescu có bài hát ”Fetele din Bucuresti” (Những cô gái thành Bucharest) trong đó có câu: ”Fetele dulci ca-in Bucuresti/ In toate lumea nu găsesti/ Priveste drept in ochii lor/ Si-ai sa citesti povesti de-amor…” (Đi khắp thế gian bạn không thể gặp/ Những cô gái đẹp ngọt ngào như gái thành Bucharest/ Hãy nhìn thẳng vào đôi mắt của họ/ Để đọc được những câu chuyện về tình yêu). Và giữa đám sinh viên Việt Nam thời ấy cũng đã nảy sinh vài mối tình với các cô gái Romania nhưng kết quả đều trong đớn đau vì không thể lấy được nhau do sự cấm đoán. Bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng” như tiếng thét gào của anh Khổng Văn Đương, sinh viên trường Bách khoa UPB về chính mối tình tuyệt vọng của mình là một thí dụ: ”..Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát/ Cho loài người chia biên giới thế gian/ Cho sa mạc thổi bùng cơn bão cát/ Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn…”
Tôi yêu Bucuresti, nơi có rất nhiều món ăn đậm chất Romania. Từ món canh chua “Ciorbă”, canh chua nội tạng (Ciorbă de burtă), canh chua nấu cá (Ciorbă de peste), canh chua nấu gà(Ciorbă de găină); các món đậu “Fasole”, ớt chuông nhồi thịt “Ardei umpluti”; các loại “Sarmale” là bắp cải chua nhồi thịt, chút cơm có lá nho, lá chút chít hầm, món bột ngô nghiền ”Mămăligă” như mèn mén của người H’Mong; món “Mici” gồm thịt cừu, bò, lợn xay nhỏ trộn với tỏi, tiêu đen, xạ hương & một chút Natri Carbonate nướng trên vỉ thơm điếc mũi! Nghe nói món “Mici” do đầu bếp Iordance Ionescu của một quán rượu trên đường Lipscani sáng tạo ra hồi cuối thế kỷ 19 đã nhanh chóng trở nên hot trên thực đơn của các nhà hàng từ bình dân đến sang trọng khắp cả nước.
Tôi yêu Bucuresti, nơi tôi đã gặp em cô gái Hà Tĩnh xinh xắn nhất Trường Dầu IPGG. Ở phương trời xa xôi ấy, hai con tim đã biết tìm đến để sưởi ấm cho nhau. Chúng tôi đã trao cho nhau tình yêu, vượt qua mọi sự cấm cản và chính tình yêu ấy đã nâng cánh ta bay trên con đường học tập để tốt nghiệp trở về nước nên vợ nên chồng. Tôi yêu Bucuresti có ký túc xá sinh viên nữ “Piata Rosetti” nơi người yêu tôi ở mà thỉnh thoảng tôi đến gặp em nay đã thành khách sạn “Banat Hotel”. Năm 2013, vợ chồng tôi đã ở ngay chính tại căn phòng vợ tôi đã sống thời sinh viên. Ngày ấy, những giờ phút ít ỏi được đi bên nhau trên phố dưới trời mưa thật lãng mạn như câu hát của Dan Spătaru: ”Tu, eu si-o umbrelă/ Tu, eu ne plimbăm/ Cerul ca o acuarela/ Nu ne vede sub umbrelă/ Când ne-imbrătisăm” (Anh, em và một cái ô/ Chúng ta cùng đi chơi/ Bầu trời trắng màu nước/ Không nhìn thấy phía dưới ô/ Khi chúng mình ôm nhau). Những lần dạo chơi trong công viên Cismiziu, Libertătii, Herăstrâu hay những lần đi bơi tại Lacul Tei, tại hồ Beneasă mãi gần sân bay thật là tuyệt.
Tôi yêu Bucuresti, nơi đã cho tôi trải nghiệm cuộc đời sinh viên sôi động tuổi 20, nơi có ngôi trường với thầy cô giáo và bạn bè tận tình giúp tôi học và tốt nghiệp đại học, nơi tôi được người dân cưu mang trong những năm tháng còn chiến tranh khốc liệt ở quê nhà, nơi mở mang đầu óc cho tôi về một nền văn hóa châu Âu mới lạ và nơi tôi gặp gỡ được tình yêu của mình.
Bucuresti, te iubesc atât de mult!
(*) Bản dịch của anh Phạm Viết Đào.
02/09/2022
Nguyễn Quang Bô –
(Cựu sinh viên trường dầu IPGG khoá 1966-1972.)