Bài viết về Romania & Cộng đồng người Việt

BV – Chuyện kể về Romania (phần 3)

8:18 chiều | 20/02/2013

 

Tôi còn tới vài nơi liên quan đến cuộc đời thật của Bá tước Vlad Tepes trong tổng số 20 địa danh được liệt kê trên đất nước Romania. Nhưng ở đâu cũng cho ta cảm giác nhẹ nhàng, bình lặng, chẳng có gì là rùng rợn chết người cả. Vậy thì vì sao truyền thuyết về một Dracula lại nổi tiếng toàn cầu đến thế? Tôi bèn lọ mọ tra cứu các site ở Internet, tìm đọc sách vở về lịch sử Romania và nhất là đọc cuốn truyện có tên Dracula của nhà văn Bram Stocker.

Bram Stocker viết cuốn truyện lừng danh của ông ta vào thế kỷ 19, là tiểu thuyết đầu tay của ông sau nhiều năm là trợ lý cho nhà văn người Anh Sir Henry Irving. Tiểu thuyết này về sau được tái bản rất nhiều lần và được dựng thành phim ở Holywood hai lần, đồng thời trở thành một truyền thuyết của cả thế giới khiến cho khách du lịch nô nức đến Romania chỉ vì tò mò bởi bá tước Dracula. Nội dung của cuốn Dracula bắt đầu từ một chuyến đi của một luật sư tập sự trẻ tuổi được cử đến từ một văn phòng luật ở London tới gặp một khách hàng là Bá tước Dracula vùng núi Transylvania, Romania. Luật sư tập sự có nhiệm vụ mang giấy tờ uỷ nhiệm việc mua bán bất động sản tại nước Anh để Bá tước ký. Anh ta đến Romania và tới vùng núi chứa nhiều bí ẩn Transylvania vào đêm trăng rằm, và là ngày theo quan niệm của người dân địa phương thì chính là thời điểm ma quỷ xuất hiện. Mọi người đều can ngăn chàng luật sư đến lâu đài vào đêm hôm đó, nhưng chàng ta vội vã muốn xong việc sớm còn về Anh làm đám cưới với người mình yêu, nên vẫn quả quyết ra đi. Trên đường đi, chàng đã gặp nhiều chuyện kỳ lạ, những người phụ nữ quỳ xuống ven đường khi xe chàng đi qua, một bà già đeo dây tỏi xâu vào cổ chàng, những người đồng hành rì rầm điều gì đó suốt dọc đường và nỗi sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt họ. Đêm xuống, chàng được chuyển sang xe khác, chỉ còn một mình với người đánh xe không lộ rõ mặt. Sương mù giăng mờ mịt, tiếng chó sói nức nở tru dài vang khắp núi rừng, người đánh xe ngựa bỗng biến mất trong màn sương, khi mặt trăng chợt bị làn mây che ngang. Rồi mặt trăng lại chiếu sáng trở lại đột ngột, và chàng trai trẻ bỗng lại thấy người đánh xe cho mình ở bìa đường, khoát tay về phía bầy sói, mắt như những đốm than rừng rực trong đêm đen đang chầu về phía chàng. Mắt người đánh xe ánh lên trong đêm còn sáng hơn cả đốm than hồng, khuôn mặt dài nhọn và hàm răng trắng nhởn lấp lánh dưới ánh trăng. Đó là lần duy nhất chàng trai nhìn thấy khuôn mặt của ông ta.

Sau đó chàng cũng đến được lâu đài Dracula trong đêm đó, và được đích thân Bá tước mở cửa đón chờ, dọn bữa ăn khuya và trò chuyện trong lúc chàng dùng bữa. Chàng trai đi ngủ, trong lòng đã vơi bớt băn khoăn những chuyện kỳ lạ dọc đường đi.

Ngày hôm sau chàng thức dậy, khám phá quanh lâu đài nhưng không hề tìm thấy bóng dáng một ai. Và cứ đến đêm Bá tước mới xuất hiện mang đồ ăn tối đến, nói chuyện với chàng suốt đêm. Sau đó lần nào cũng biến mất vào một căn phòng luôn luôn khoá vào ban ngày. Suốt nửa tháng đầu tiên, khi công việc giấy tờ xong xuôi, chàng luật sư trẻ không hề gặp bất cứ một người hầu nào, không một người khách, không ai cả. Chỉ có bá tước Dracula với vẻ xanh xao trên khuôn mặt, cái cằm dài nhọn, hàm răng nhọn và trắng. Chàng đã phát hiện ra những điều kỳ lạ khác như một đêm thấy bóng bá tước trèo ra khỏi cửa sổ lâu đài và dùng tay bám vào vách tường đá trườn xuống thung lũng thoăn thoắt, điều mà một người thường không thể làm nổi. Căn phòng nơi bá tước luôn biến mất trong đó, có lần không khoá ban ngày, và chàng lẻn vào. Trong phòng không hề có đồ đạc, phủ đầy bụi, một góc phòng chứa nhiều tiền vàng, rất nhiều vàng của nhiều quốc gia, nhưng phần lớn là tiền cổ, có từ mấy trăm năm trước, một số châu báu. Có một lối đi hẹp cuối phòng, chàng lần đến đó, và phát hiện ra đường dẫn đến một nhà nguyện nhỏ. Có 3 quan tài cũ kỹ nằm ở giữa phòng, và một cái quan tài khác lớn hơn phía trên đầu nhà nguyện. Bụi phủ dày khắp nơi, chàng vội vã bỏ chạy khỏi nhà nguyện. Chàng trai giật cánh cửa chính vào lâu đài, nhưng cửa đã khoá chặt, mọi hành lang cũng đều khoá kín, chỉ còn lối cửa sổ trên vách tường dài cả trăm mét mà bá tước đã trườn mình đêm nào. Chàng biết rằng mình là tù nhân của ông ta.

Những chuyện khủng khiếp bắt đầu xảy đến cho người luật sư tập sự và những người bạn, người thân của anh ta ở nước Anh. Huyền thoại về một Bá tước hút máu người, về những nạn nhân bị quỷ hút máu và bị quỷ ám để sau khi chết cũng biến thành quỷ lại sống lại ở nước Anh thế kỷ 19, thời của nhà văn Bram Stocker. Bram Stocker cũng khiến tôi sởn người khi viết lại những dòng tóm tắt truyện của ông ta. Thậm chí lúc tôi đọc xong truyện đó, tôi đã không dám mở cửa sổ rộng cánh vào buổi tối vì ám ảnh bởi hình ảnh con dơi to lớn dang cánh rộng vỗ phành phạch ngoài khung cửa đêm trăng.

Huyền thoại lâu đời về quỷ khát máu ở vùng núi Đông Âu bừng dậy và mang màu sắc hư hư thực thực qua lối viết hấp dẫn, mạch lạc của Bram Stocker. Du lịch bùng nổ ở Romania. Người ta lại mượn huyền thoại và truyền thuyết để thu hút khách. Truyền thuyết Dracula lại càng nổi tiếng ở thế kỷ này, thế kỷ thuộc về công nghệ cao với tốc độ chóng mặt của truyền thông.

Vậy thì bộ mặt thật của Bá tước Dracula là thế nào, ông ta có hút máu người thật hay không?

Như tôi đã viết ở trên, nhân vật bá tước Dracula vốn lấy từ nguyên mẫu của Vlad Tepes – một lãnh vương vùng Wallachia. Wallachia là một vùng rộng lớn ở thế kỷ 13-14 có biên giới phía bắc qua vùng Transylvania giáp với Mondavia, đến tận phía đông tận cùng là Biển Đen và về phía nam giáp với Bulgaria. Thủ đô Bucuresti ngày nay cũng thuộc lãnh thổ của Wallachia thuở đó. Tổ tiên của Dracula là Hoàng tử đầu tiên của vùng này từ thế kỷ 13 và Dracula là người cuối cùng duy trì nền độc lập của xứ Wallachia đến thế kỷ 15. Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman đem quân đánh chiếm nhiều vùng rộng lớn ở châu Âu trong đó có xứ Wallachia. Thế kỷ 15 quân đội Hungari và quân Thổ Nhĩ Kỳ của Ottoman cùng tranh chấp vùng này, nhưng phần lớn thời gian do quân Thổ chiếm quyền kiểm soát. Dracula trị vì xứ này 3 lần khác nhau. Lần đầu tiên với sự hỗ trợ của người Thổ vào năm 1448, nhưng chỉ kéo dài 2 tháng. Lần trị vì thứ hai từ năm 1456 đến năm 1462 với hậu thuẫn của Hungary, và đây là thời kỳ chiến đấu ác liệt nhất với quân Thổ của vùng Wallachia với nhiều trận chiến nổi tiếng dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Dracula. Sau đó, vì sự tranh giành ảnh hưởng của hai nhà nước hùng mạnh lúc đó, Dracula đành làm con tin ở Budapest (thủ đô Hunggari) nhằm giữ hoà bình cho xứ sở. Và năm 1476, ông ta lại trở lại nắm quyền tại Wallachia với người Hung đứng đằng sau. Dracula bị giết trong một trận đánh gần Bucuresti khi giao tranh dữ dội với quân Thổ (sách vở ghi lại rằng ông ta bị quân sĩ của mình phản bội nên người Thổ mới giết được ông). Đầu của Dracula được gửi về Constantinople và bị xiên lên cọc ở quảng trường để Sultan và dân Thổ tin chắc rằng Hoàng tử xiên cọc kinh hoàng The Impaler cuối cùng cũng bị xiên trên cọc.

Dracula sinh năm 1431 tại Sighisoara của Transylvania. Ngôi nhà nơi Dracula sinh ra vẫn còn nguyên vẹn và nay là một quán cà phê nổi tiếng. Vào thời gian sinh Dracula, bố ông ta la Vlad II Dracul đang tranh chấp quyền trị vì với Hoàng tử Danesti.

Cái tên Dracula là liên quan đến tên gọi Dracul chỉ người cha. Năm 1431 Vlad II thừa lệnh Rồng The Order of Dragon của Hoàng đế La Mã cùng liên minh chống lại quân Thổ. Ông ta lấy luôn con rồng làm biểu tượng cho quân đội của mình và làm tên hiệu cho mình. Draco – tiếng Latin nghĩa là rồng, do vậy ông ta đựơc gọi là Vlad II Dracul. Theo tiếng Romania, Dracula có nghĩa là Con trai của Rồng, vì vậy con trai ông ta có hiệu Vlad III Dracula. Đồng thời trong tiếng Romania, Dracul cũng có nghĩa là quỷ, và Dracula mang nghĩa khác là Con của Quỷ. Sau này, khi trị vì, cùng với các cách tra tấn man rợ đặc biệt là xiên người sống lên cọc, Dracula còn được mệnh danh là Vlad Tepes (tiếng Romania Teopa là cái cọc, và Tepes là chỉ việc xiên lên cọc).

Khi sinh thời, ông ta thích được gọi tên là Vlad III. Ông ta thường tra tấn tù binh người Thổ, binh lính phạm tội, các tù nhân… vô cùng man rợ. Ông ta dùng ngựa phanh chân nạn nhân và dùng một cái cọc xiên nhọn đâm xuyên suốt thân người nạn nhân. Đầu cọc bao giờ cũng bôi dầu và không được quá sắc để tránh cho nạn nhân chết ngay lập tức. Thông thường nạn nhân bị xuyên cọc qua hậu môn lên tới tận miệng. Trẻ sơ sinh bị xuyên ngang qua cổ người mẹ, và ghi chép cho biết nhiều nạn nhân bị xuyên treo úp trên cọc.

Cái chết do việc xiên trên cọc đến rất chậm và mang lại đau đớn vô cùng cho nạn nhân. Hàng giờ sau họ mới chết. Tepes xếp các cọc xiên thành vòng bao quanh các pháo đài, ở ven thành. Các tử thi xiên trên cọc để hàng tháng sau đó nhằm làm mất tinh thần đối phương. Sử sách chép lại rằng, năm 1461, Hoàng đế Thổ Mohammed II trong chiến dịch đánh lại Dracula đã phải quay về Constantinople vì ốm nặng do nhìn thấy khoảng 20 ngàn chiếc cọc xiên xác lính Thổ nằm thành vòng bao ngoài thành Tirgoviste trên đất của Dracula. Một lần khác quân Thổ cũng phải quay lại vì nhìn thấy hàng ngàn tử thi không đếm xuể xiên trên cọc nằm ở ven sông Danube.

Hàng ngàn nạn nhân bị xiên cọc trong cùng một thời gian. Vào năm 1460 đã có 10,000 người bị xiên cọc trong thời gian Dracula ở tại Sibiu. Năm 1459, vào ngày Thánh Bartholomew có 30,000 nhà buôn và binh lính bị xiên ở vùng Brasov. Ông ta còn dùng nhiều hình thức tra tấn khác như đóng đinh vào đầu, chặt chân tay, xiết cổ, chọc mù mắt, đốt da thịt, xẻo mũi cắt tai, xẻo bộ phận sinh dục nhất là của nữ, lột da đầu, da mình, phanh thây phơi nắng mưa, cho thú hoang xé xác hoặc đổ dầu olive nóng bỏng.

Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của Dracula. Có thể là nhà buôn, nông dân, phụ nữ, trẻ em, đại sứ nước ngoài, các địa chủ, nhưng phần lớn là nhà buôn và binh lính (boyars – một loại lính thân cận như là vệ sĩ) từ vùng Transylvania và chính vùng Wallachia. Phần đông nhà buôn xuất thân gốc Saxons được coi là ăn bám xã hội, còn các boyars thì luôn phản bội chỉ huy. Bản thân cha của Dracula và vài anh em của ông ta cũng bị các boyar phản bội giết hại.

Dracula là người nghiêm khắc đến tàn bạo. Những người lính bị thương phần trước cơ thể luôn được trọng thưởng, những người bị thương từ phía sau được ông ta phán: các ngươi thậm chí còn hèn hơn cả đàn bà và đem xiên cọc. Các nhà buôn dối trá khách hàng bị xiên cọc cạnh lũ trộm cắp. Những cô gái đánh mất trinh tiết trước khi kết hôn, những người đàn bà ngoại tình bị xẻo vú, xiên cọc vào âm đạo. Các nông dân lười biếng, những đứa con bất hiếu với cha mẹ thảy đều chịu chung hình phạt là xiên cọc.

Có nhiều giai thoại về sự dũng cảm vô song, trí tuệ mẫn tiệp của Dracula khi đấu trí với quân Thổ. Một lần ra chiến trận, Dracula tiến đến trước quân thù và nói lớn: Kẻ nào chỉ nghĩ đến cái chết thì không nên tiến gần ta, mà hãy đứng yên tại chỗ. Hoàng đế Thổ nghe thấy câu đó, bèn cho lui quân ngay cho dù nước Thổ đã chiến thắng bao trận oanh liệt, nhưng lại rất ngại giáp mặt Dracula. Khi triều đình Thổ Nhĩ Kỳ cử đại sứ đến Wallachia gặp Dracula đòi cống nạp (xứ Wallachia vốn chỉ là một xứ, không phải là một vương quốc), Dracula tiếp đãi đại sứ rất trọng thị và bày cho ông ta thấy sự hùng mạnh của Dracula và bảo:
– Ta không phải không muốn triều cống Hoàng đế, mà ta muốn dân g tặng cả quân đội và của cải đất đai của ta cho Hoàng đế, ta muốn phục vụ dưới sự trị vì của Hoàng đế. Nhưng ta lo ngại người của ta và ta sẽ bị hại, vậy nhà ngươi nói với Hoàng đế cho ta cùng người của ta được đi lại tự do trên đất Thổ, và ta sẽ đến để nhận ân điển của Hoàng đế.

Hoàng đế Thổ được nghe báo, rất làm vui mừng, cho phép Dracula và người của ông ta được đi lại tự do. Cùng với toàn bộ quân đội, binh lính hoàng gia thân cận, Dracula dành 5 ngày để du hành khắp đất nước Thổ, và bỗng quay lại chỉ huy quân đội tấn công các thành phố làng mạc trên đất Thổ, xiên cọc dân Thổ kể cả trẻ em, tập hợp người theo đạo Thiên Chúa chuyển họ về Wallachia. Sau đó cho người đến báo Hoàng đế Thổ những gì họ thấy và bảo rằng: “Ta đã phục vụ Hoàng đế những gì ta có thể và nếu Hoàng đế muốn ta phụng sự lần nữa, ta hứa sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa”.

Một lần Dracula vi hành đến một vùng nông thôn, ông ta nhìn thấy một người nông dân già yếu ăn mặc rách rưới. Dracula hỏi:
– Nhà ngươi có vợ không?
Người nông dân đáp, thưa ngài, có.
– Vậy ngươi đưa ta về nhà để ta gặp vợ ngươi.

Khi về đến nhà người nông dân nọ, Dracula thấy người vợ rất đỗi trẻ trung, khoẻ mạnh, ông ta bèn hỏi người chồng:
– Tại sao ngươi không se lanh?

Người chồng đáp:
– Tôi đã se rất nhiều lanh, thưa ngài.

Dracula bèn bảo người vợ:
– Tại sao ngươi lười biếng không làm việc và chăm lo chồng? Chồng ngươi đã se sợi lanh và làm lụng chăm sóc ngươi, ngươi thậm chí không thèm dệt một chiếc áo lành cho chồng trong khi ngươi còn khoẻ và còn trẻ hơn. Ngươi có tội, còn chồng ngươi không. Nếu hắn ta không se lanh, hắn ta cũng là kẻ có tội. Người vợ bị chặt hai bàn tay và bị xiên người lên cột.

Có một nhà buôn người Hung đến thành phố Dracula đang sống, do luật lệ quy định nên ông ta phải để xe ngựa trước cửa nhà và toàn bộ đồ đạc hàng hoá trên xe. Ban tối ông ta vào trong nhà ngủ. Đêm đó có kẻ lấy mất 160 đồng ducat vàng cất trên xe. Nhà buôn đến gặp Dracula báo việc mất trộm. Dracula phán, nhà ngươi về đi, đêm nay ngươi sẽ thấy vàng của ngươi. Và Dracula lệnh phải tìm cho ra kẻ trộm lục soát khắp thành phố, nếu không tìm thấy kẻ trộm sẽ phá tan thành phố. Buổi tối ông ta cho người đặt vàng vào xe ngựa, bỏ thêm 1 đồng ducat nữa. Sáng hôm sau, nhà buôn thức dậy, tìm thấy vàng trên xe, ông ta đếm 1 lần, rồi 2 lần, vẫn thấy thừa ra một đồng ducat. Ông ta lại đến gặp Dracula:
– Thưa ngài, tôi đã thấy vàng, nhưng không phải là của tôi, mà có một đồng thừa ra.

Khi tên kẻ trộm bị tóm được cùng với toàn bộ số vàng, Dracula nói với người lái buôn:
– Nhà ngươi được sống, đi đi. Nếu ngươi nhận số vàng kia là của ngươi, ngươi đã bị xiên cọc cùng với tên kẻ trộm rồi.

Còn rất nhiều chuyện kể và giai thoại về sự tàn bạo khát máu, về sự tinh tường, lòng quả cảm của Dracula hay còn gọi là Vlad Tepes. Sự thực về một người anh hùng dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm của người Romania đã được dân gian phủ lên màu sắc huyền thoại và truyền thuyết.

Trí tưởng tượng phong phú của con người qua nhiều thế kỷ cũng khiến cho truyền thuyết về quỷ hút máu người, về những người không bao giờ chết đêm đêm vẫn thoát ra khỏi quan tài đi tìm nạn nhân hút máu được khoác màu hư thực và còn là đề tài cho nhiều câu chuyện, nhiều bộ phim cũng như để thu hút khách du lịch.

Nhưng những lâu đài vẫn sừng sững đứng ở vùng Transylvania chứng kiến bao điều bí ẩn, chở che cho bao quân lính Rumani chống lại quân xâm lăng bờ cõi và vẫn luôn là điểm đến ưa thích của du khách mọi nơi trên thế giới.

Còn bạn, bạn muốn lò dò leo từng bậc cầu thang bằng đá sứt sẹo trong những đường hầm tối mò, có muốn cong người mở cánh cửa to nặng bằng gỗ sồi với những nẹp gang sẫm màu vì thời gian, bạn có muốn bám vách tường đá mà vượt lên đến cửa sổ – châu mai tí teo ở tầng áp mái?

Đi với tôi và mình sẽ chụp ảnh với bá tước giả hiệu đang cầm búa lang thang trong sân.

Đi nhé, và không sợ đâu. Vlad Tepes đã chết năm 1476 rồi mà, và câu chuyện của Bram Stocker cũng xảy ra từ 1899 cơ.

(Toet)

 

20/02/2013.

(Nguồn: phuot.com)

DQC (st)

 

 

 

 

 

Liên kết website