Năm 1950, cùng với Liên Xô cũ, Rumani là một trong những nước đầu tiên công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó quan hệ hữu nghị Ru-Việt phát triển nhanh chóng và ngày càng bền vững, dẫu có lúc thăng lúc trầm. Và đầu những năm 60 của thế kỷ trước bắt đầu hình thành cộng đồng người Việt tại Rumani: họ là nhân viên Đại Sứ quán và lưu học sinh với học bổng toàn phần của nhà nước Rumani. Số lượng sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh với học bổng toàn phần đã tăng lên rất nhanh và được tổ chức thành các hội lưu học sinh ở các thành phố và các trường đại học. Đó là những năm tháng rực rỡ của quan hệ Việt-Ru. Nhân dân và chính phủ Rumani đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt nam với tình cảm chân thành, bằng tinh thần lẫn vật chất.
Năm 1970 số lượng lưu học sinh Việt Nam được nhà nước Rumani cấp học bổng, chăm lo ăn học đã lên tới hơn ngàn người. Tính bình quân trên dân số thì đó là tỉ lệ cao nhất so với tất cả các nước XHCN thời bấy giờ. Hầu hết các trường đại học ở thủ đô và các thành phố lớn đều có lưu học sinh Việt Nam. Việt Nam trong mắt người Ru thời bấy giờ là chiến tranh, tàn phá, chết chóc và đau thương, song lại rất gần gũi thân thương qua những lưu học sinh trẻ trung, cần cù chịu khó và học giỏi. Chính họ đã là cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Ru. Người Ru, từ các cấp lãnh đạo Bộ giáo dục, các trường đại học đến người dân thường đều coi lưu học sinh Việt Nam như con em của họ.
Người Việt Nam hiện diện trong đời sống thường nhật của người dân Rumani như là tấm gương về sự cần cù và chịu khó phấn đấu vươn lên trong học tập cùng với sự thương cảm về những mối tình bị cấm đoán khó hiểu. Trong đó có những mối tình đã trở thành bất tử như mối tình của nhà thơ Khổng Văn Đương với bài thơ tình bất hủ “Em đi tìm anh trên bán đảo Balcan, viết năm 1969, được Nhà xuất bản Văn Hóa chọn là một trong những bài thơ tình của Việt nam và Thế giới hay nhất thế kỷ XX. Cho đến tận bây giờ, mặc dù nhiều người già đã qua đời, thế hệ người Rumani hiện tại vẫn có thiện cảm và tôn trọng người Việt. Người Ru cho rằng người Việt rất thân thiện, sống có tình có nghĩa, không dối trá, không lừa đảo, không bạo lực.
Một người Việt bước vào một cơ quan nhà nước, một phụ nữ Ru khoảng 30 tuổi hỏi: Ông là người Nhật? – Dạ không, tôi là người Vietnam. – Mai drăgut! (dễ mến hơn).
Một anh khác có việc ở phòng công chứng, các cô nhân viên có vẻ hơi cợt nhả một chút vì đã quen biết gần chục năm, liền bị bà sếp “chỉnh”: các cô có biết ông ta đến từ một đất nước có nền văn hóa rất đặc sắc không?
Chính quan hệ Việt-Ru được vun đắp qua hơn nửa thế kỉ là nền tảng vững chắc cho hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Rumani.
Ngày 11.09.1993, lúc 15 giờ, tại trụ sở ĐSQ Việt Nam số 15 Austrului, quận 3, Bucaret, HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI RUMANI được thành lập với 15 thành viên mà hầu hết đã từng học tập tại đất nước này. Ông Đoàn Minh Tuấn là chủ tịch, ông Phạm Minh Dũng và ông Nguyễn Huy Chính là phó Chủ Tịch.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sinh, Tham tán Công sứ Trần Xuân Đảm, Tham tán Thương mại Phạm Quang Thu và lãnh sự Phạm Minh Chính cùng các cán bộ Sứ quán đã đồng lòng và nhiệt tình giúp đỡ bà con cộng đồng bước đầu lập nghiệp ở đất khách quê người, như thể giúp đứa trẻ đi những bước đầu đời.
Sau gần hai chục năm vắng bóng người Việt (từ cuối những năm 70 đến đầu 90 của thế kỷ trước, nhà nước Rumani không còn nhận lưu học sinh Việt Nam vì lý do tài chính), giờ đây người Ru lại nhìn thấy họ với những chiếc kimono, áo phông, áo xoa… bày bán trong các cửa hàng “bỏ mối” hoặc cầm tay rao bán tại những nơi nhiều người qua lại. Đó là cách người Việt khởi nghiệp tại đây. Chưa có một cửa hàng nào của người Việt. Họ nhận những gói hàng, sau đó là những kiện hàng gửi qua đường hàng không rồi đem bỏ mối cho các cửa hàng của người Ru hoặc tự mình đứng cầm tay chào bán ở những nơi có nhiều người Ru qua lại như các chợ ngoài trời, các bến tầu xe. Tuy rất “du kích” và “nguyên thủy”, song lại khá hiệu quả và họ đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp lâu dài và bền vững trên đất nước tươi đẹp này.
Vận may đã sớm đến với cộng đồng người Việt: Cuối năm 1994, chợ Europa, khu thương mại tổng hợp bán buôn và bán lẻ lớn nhất Rumani được thành lập. Hàng hóa bắt đầu được gửi sang bằng đường biển từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn quốc hoặc bằng xe tir từ Balan, Đức, Thổ,…
Người Việt nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thuê hoặc mua các vị trí đắc địa. Công việc làm ăn phát triển bùng nổ. Người Việt từ Nga, Ucraina, Balan, Tiệp và Việt Nam cũng bị sức hút của chợ Europa. Chẳng mấy chốc cộng đồng người Việt đã lên tới 400 người. Khu chợ Europa được xây dựng khá quy củ, sạch sẽ và văn minh, đã nhanh chóng phồn thịnh và rồi cũng đã rơi vào tầm ngắm của mafia Ru. Vụ tai nạn nghi là có sắp xếp đã cướp đi sinh mạng của ông chủ chợ người Ru, được mọi người yêu mến và kính trọng. Sau khi mafia thôn tính, chợ Europa phát triển “bùng nổ”: mở rộng, cơi nới, xây xen kẽ,… với quy mô gấp chục lần, song lại không theo bất kỳ quy hoạch hay quy chuẩn nào, thậm chí không có phép xây dựng, nghĩa là rất tiganeste, theo cách nói của người Ru.
Chợ phát triển nhanh chóng và công việc làm ăn của mọi người phát đạt vượt bậc theo đà phát triển chung của xã hội. Nhưng ban quản lý chợ không có đầu óc tổ chức, chỉ nhăm nhăm trục lợi nên chợ đã thành nơi ô hợp. Tất nhiên nhà nước không thể chấp nhận tình trạng này và đã có những biện pháp quyết liệt để dẹp chợ Europa.
Khu thương mại Dragonul Rosu cạnh chợ Europa đã ra đời kịp thời thay thế chợ Europa. Kể từ đó, đại bộ phận người Việt đã có nơi kinh doanh khang trang, văn minh và hiện đại cùng với các cộng đồng dân cư khác. Tuy nhiên vì giá thuê cửa hàng đắt nên vẫn còn một số ít bà con đeo bám chợ cũ đang trên đà bị dẹp bỏ.
Thế rồi khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tràn đến Rumani. Giai đoạn khó khăn bắt đầu và ngày một trầm trọng cho đến tận bây giờ. Đối với người Việt nói riêng và cộng đồng người nước ngoài nói chung, đã 5 năm rồi, họ phải đương đầu với cơn bão không biết bao giờ mới tan: ”Bão quét TVA”.
Thuế TVA là nguồn thu rất lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, đến 45% nguồn thu ngân sách nhà nước. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội GDP của Rumani năm 2014 là 202 tỉ USD, TVA chiếm 90 tỉ USD, đó là lý thuyết, trên thực tế thất thu TVA là rất lớn, đến hàng trăm tỉ USD. Nạn gian lận thương mại để không nộp đủ thuế TVA và thuế thu nhập là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Rumani. Sau hàng chục năm “ngủ quên”, nhà chức trách mới bừng tỉnh và quyết tâm tạo nên cơn bão quét TVA, không khoan nhượng và không ngừng nghỉ. Bão quét đã thu về cho ngân sách khoản tiền rất lớn, song lại tàn phá nền kinh tế ở góc độ khác: doanh nghiệp kinh doanh giảm sút, giá cả hàng hóa tăng cao, sức mua giảm sút, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Dù vậy, nhà nước không có sự lựa chọn nào khác.
Còn các doanh nghiệp thì sao? Người Việt nghĩ gì? Tiếp tục gian lận thương mại hay tính chuyện làm ăn nghiêm túc? Số ít người đã bỏ cuộc, ngậm ngùi khăn gói về nước, trong khi đại bộ phận vẫn bám trụ. Một số bà con cũng đã mở ra những hướng kinh doanh mới như mở nhà hàng ăn nhanh hay làm nail. Người Việt vẫn bám rễ và sẽ mãi mãi tồn tại trên đất này. Đại bộ phận khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, không một chút kinh nghiệm kinh doanh, rồi thoát nghèo, trở thành đại gia. Họ hài lòng và cám ơn đất nước này.
Đất lành chim đậu, một hiện tượng mới có tính đột biến đang diễn ra: tuyển dụng lao động Việt Nam. Từ thực tế thiếu hụt lao động vì nhiều người Ru trong độ tuổi lao động đã sang các nước Tây Âu để làm việc với mức lương cao, các doanh nghiệp Ru và nhà nước Ru đã phải chọn giải pháp tuyển dụng lao động Việt Nam và Sri Lanca. Hiện nay đã có tới hơn ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại Rumani và con số này đang tăng nhanh.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thành lập Hội, số hội viên đã tăng lên nhanh chóng. Ngoài những người đã từng học đại học hoặc làm luận án tiến sỹ, sau nhiều năm bôn ba hành nghề nay quay lại làm ăn trên đất Ru, nhiều người từ trong nước hoặc từ các nước khác sang, trong đó cũng có nhiều người là bác sỹ, kỹ sư, luật sư, giáo viên. Có thể nói tỷ lệ trí thức và biết tiếng Ru khá cao trong cộng đồng người Việt, khoảng 10%. Đó là một mặt mạnh giúp cộng đồng người Việt hội nhập nhanh chóng và bám sâu vào xã hội bản địa.
Mặc dù đại bộ phận người Việt ở Ru xuất thân từ nghèo khó, nhưng khi cuộc sống khấm khá, họ đã quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Nhiều người đã sớm mua căn hộ, mua hoặc xây vila theo lời dạy của ông bà “an cư lạc nghiệp”. Chỉ còn số ít phải thuê căn hộ để ở vì chưa đủ tiền mua. Tiếp theo là trang bị nội thất tiện nghi và hiện đại, bắt kịp với tiến bộ về công nghệ. Các kỳ du lịch, nghỉ biển, nghỉ núi, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… được các gia đình hoặc Hội Người Việt tổ chức khá thường xuyên.
Đầu năm 2011, Câu lạc bộ Phụ nữ được thành lập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và nó đã và đang không phụ lòng trông đợi của bà con cộng đồng bằng các hoạt động phong phú của mình. Đặc biệt, trang web “phunurovn.com” của CLB Phụ nữ Việt Nam tại Rumani là điểm sáng trong hoạt động của cộng đồng. Nó được đánh giá cao không chỉ trong cộng đồng Việt Nam tại Rumani mà còn được nhiều độc giả Việt Nam từ nhiều nước trên thế giới biết đến. Chúng ta không bao giờ quên tâm huyết và công sức của nhà sáng lập và quản trị trang web này – chị Dương Quỳnh Chi.
Việc kết hợp hoạt động giữa Hội Người Việt với các Hội Doanh Nghiệp, Hội Sinh Viên, Hội Thanh Niên, Hội Đồng hương Thanh Hóa, CLB Phụ nữ đã làm cho các hoạt động của cộng đồng người Việt thêm phong phú và hấp dẫn.
Dù số lượng không lớn, cộng đồng đã và đang duy trì nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và thể thao khá sôi nổi. Đêm ca nhạc kỷ niệm sinh nhật Bác 19.05.2009, đêm ca nhạc thế giới tuổi thơ 2009, cuộc thi cắm trại hè 2011, đêm hội áo dài 2011, buổi giao lưu thắm đượm tình người xa xứ giữa cộng đồng người Việt ở Bucaret và hơn 500 công nhân Việt Nam ở nhà máy đóng tàu Mangalia, giao lưu giữa cộng đồng người Việt ở Rumani với cộng đồng người Việt ở Bulgari hay Tiệp là những dấu ấn trong hoạt động của cộng đồng người Việt tại Rumani.
Không chỉ chăm lo các hoạt động trong nội bộ cộng đồng, Hội Người Việt còn quan tâm đến các hoạt động đối ngoại: quyên góp tiền ủng hộ nhân dân Nhật bản khắc phục hậu quả động đất và sóng thần, gửi tiền trợ giúp nhân dân Rumani ở các vùng bị bão lụt, quyên góp ủng hộ Quỹ “Vì miền Trung thân yêu”, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao trong cộng đồng ASEAN tại Rumani. Quan tâm đến chất lượng cuộc sống là một trong những đặc điểm đáng kể của cộng đồng người Việt tại Rumani.
Cộng đồng người Việtnam tại Rumani là cộng đồng thuần chất, không có đối kháng về chính trị, yêu nước và tôn trọng sự quản lý của nhà nước Việt Nam và tuân thủ Pháp luật của nước sở tại, không có mafia, không chèn ép hoặc sát phạt lẫn nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Hiện nay đã có gần 40 người Việt Nam nhập quốc tịch Rumani và con số này còn tiếp tục tăng. Người Việt quyết tâm hội nhập và bám rễ lâu dài. Đã có người trở thành luật sư, có người tham gia các đảng phái chính trị, đã có con em người Việt đạt thành tích cao trong học tập, đóng góp vào thành tích quốc gia của học sinh, sinh viên. Song không một ai từ bỏ quốc tịch Việt Nam, nghĩa là họ hội nhập nhưng không hòa tan. Họ vẫn luôn hướng về cội nguồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và phong tục truyền thống Việt Nam. Lớp học tiếng Việt là một cố gắng rất đáng nhích lệ.
Nhìn chung, qua 25 năm phấn đấu gian khổ, người Việt đã thành công và đã trưởng thành: Từ hai bàn tay trắng, tự mình xóa nghèo, vươn lên thành đại gia hoặc chuyên gia, có cuộc sống khấm khá, quan tâm đến chất lượng cuộc sống, không có người sống quá nghèo khó, lam lũ.
Không chỉ thành công về kinh tế, người Việt cũng đã trưởng thành về tri thức: họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh, mạnh dạn mở ra những ngành kinh doanh mới như bất động sản, xây dựng, vi tính, làm nail hay nhà hàng. Có thể tự hào rằng chúng ta đã có một cộng đồng trưởng thành và vững chắc.
Được như thế, không thể không nhắc tới những con người đã đóng góp không ngừng nghỉ cho sự lớn mạnh của cộng đồng mà không hề nghĩ tới lợi ích cá nhân. Họ mất nhiều thời gian, công sức và tiền của, thậm chí cả sự bình yên của gia đình để các hoạt động của cộng đồng được ngày càng phong phú và hiệu quả. Họ tham gia các hoạt động cộng đồng như thể có chất men trong máu thôi thúc họ. Không có những con người này thì làm sao có cộng đồng, giống như không có người dân yêu làng yêu xóm làm sao có tình làng nghĩa xóm. Xin phép không nêu tên tuổi của những con người này bởi vì họ không muốn như vậy, song nếu không là kẻ vô tình thì ta sẽ biết họ là ai.
25 năm nhìn lại, vui sướng và tự hào. 25 năm tới sẽ ra sao? Liệu người Việt Nam có còn thành công như trước đây hay không? Đặc biệt, con cháu chúng ta sẽ làm gì? Đó là câu hỏi hiện lên trong đầu của bất kỳ bà mẹ nào kể từ khi mang thai cho đến khi tỉnh lại sau lúc lâm bồn vượt cạn.
Câu trả lời phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
– Tổ chức cộng đồng: hoàn thiện các tổ chức hội đoàn nhằm thu hút ngày càng nhiều người Việt tham gia và có nhiều hoạt động phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức.
– Tìm ra hướng kinh doanh mới, mở ra ngành nghề mới, đừng quá lệ thuộc vào chợ, tạo dựng những doanh nghiệp có đẳng cấp, hoạt động có bài bản, có chiến lược kinh doanh.
– Giáo dục thế hệ trẻ: phấn đấu để đạt 100% các cháu vào Đại học, thế hệ trẻ học hành đến nơi đến chốn, thâm nhập và có vị trí xứng đáng trong xã hội bản địa hoặc vươn cao, vươn xa tới các xã hội văn minh tiên tiến nhất thế giới, đồng thời luôn hướng về cội nguồn.
Từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, bắt đầu có người Việt Nam đến Rumani để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Sau 25 năm phấn đấu gian khổ, đổ nhiều mồ hôi và nước mắt, người Việt Nam đã thành công ngoạn mục: với hai bàn tay trắng, họ đã thoát nghèo rồi vươn lên thành đại gia, tích lũy nhiều kinh nghiệm và tri thức để tạo dựng cơ nghiệp vững chắc cho thế hệ hiện nay và hứa hẹn sẽ rạng rỡ hơn cho các thế hệ tương lai.
Hơn 60 năm qua, người Ru đã có tình cảm tốt đẹp đối với nước Việt Nam và người Việt Nam. Mong rằng trong tương lai tình cảm đó sẽ còn mãi và ngày càng thắm thiết. Người Việt trong mắt người Ru sẽ mãi mãi đáng mến (mai drăguți). Có được những thành quả rất đáng tự hào trong 25 năm qua cùng với tương lai tươi sáng đang chờ đón chúng ta. Không thể không trân trọng và biết ơn sự lãnh đạo và quan tâm sâu sắc, giúp đỡ tận tình cả tinh thần lẫn vật chất của Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani.
Nhìn lại 25 năm, cộng đồng chúng ta đã lớn mạnh lên rất nhiều. Chúng ta đã thành công trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta đã trưởng thành, để lại hình ảnh tốt đẹp cho người dân sở tại. Chúng ta hãy đoàn kết hơn nữa, gắn kết hơn nữa, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, xây dựng một cộng đồng Việt Nam vững mạnh hơn, tốt đẹp hơn.
Bucaret, tháng 8/2018
Trần Đình Trúc
– Xem hình ảnh về các hoạt động chính của Hội Người Việt trong 25 năm qua tại đây: