Tin tức - Sự kiện

TTSK – Hội nghị Phụ nữ Người Việt Nam ở nước ngoài

8:15 sáng | 20/11/2013

 

Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 19-20/11 là Hội nghị đầu tiên dành riêng cho phụ nữ VNONN, được đông đảo cộng đồng kiều bào ta hoan nghênh và ủng hộ. Đây thực sự là diễn đàn để chị em trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường đoàn kết, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội phụ nữ, góp phần xây dựng cộng đồng NVNONN và không ngừng hướng về quê hương.

Trong khuôn khổ của hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về chủ đề “Chia sẻ mô hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp phát triển cộng đồng và đất nước”; trong đó tập trung vào 3 chuyên đề: Chia sẻ mô hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn trong tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài; phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; kết nối nữ doanh nhân và tri thức trong và ngoài nước. Qua tham luận của các đại biểu, rất nhiều kinh nghiệm hay đã được chia sẻ trong mọi mặt của công tác nữ.

 

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của phụ nữ và mô hình tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài

 

Hội thảo chuyên đề “Chia sẻ mô hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn trong tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài”

 

Chiều 19/11, Hội thảo với chủ đề “Chia sẻ mô hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn trong tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài” đã diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo dẫn đề của bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 13 tham luận và ý kiến phát biểu của các vị đại diện cho các tổ chức hội phụ nữ Việt Nam tại các địa bàn về các vấn đề liên quan tới công tác tập hợp phụ nữ VNONN. Các tham luận và ý kiến phát biểu với nội dung phong phú, thẳng thắn và tâm huyết, đã cho thấy bức tranh sinh động về hoạt động của phụ nữ, kinh nghiệm và công tác tập hợp phụ nữ VNONN hiện nay, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế và kiến nghị các phương hướng, giải pháp thiết thực.

Chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong tập hợp chị em phụ nữ, bà Đặng Phong Lan (Ucraina) cho biết: Để tập hợp và duy trì hoạt động của các chị em, cần phải có những phương pháp phù hợp, phải hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện thực tế và tâm tư nguyện vọng của chị em nơi mình sinh sống. Vì thế, Hội muốn tồn tại được phải có tôn chỉ, mục đích, chức năng và nhiệm vụ rõ ràng, bên cạnh đó phải biết dựa vào sự hỗ trợ của Đại sứ quán, của Hội người Việt Nam và các đoàn thể khác. Trong công tác cần phân công đúng người, đúng việc và động viên khen thưởng kịp thời. Bà cũng chia sẻ: muốn duy trì và phát triển đi lên phải tạo cho mọi thành viên trong hội thấy rằng, Hội phụ nữ là nhà của mình, là nơi mình tìm đến trong những lúc vui buồn và có thể tin tưởng, gửi gắm các con cháu, nơi nương tựa được về tinh thần nơi đất khách quê người. Ngoài công việc chăm lo đời sống tinh thần, hỗ trợ nhau về làm ăn, Hội phải có kế hoạch vui chơi giải trí dựa trên các ngày lễ lớn dành cho phụ nữ, có những chương trình liên hoan văn nghệ nhân các sự kiện lớn của chị em như ngày Quốc tế phụ nữ, ngày phụ nữ Việt Nam 20-10; ngoài ra còn phải quan tâm đến nhu cầu tâm linh trong đời sống tinh thần, tổ chức cho các chị em được tham gia đi trẩy hội đầu năm vào rằm tháng Giêng; giáo dục con cái qua các dịp lễ Vu lan, ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và tết Trung thu, tổ chức những trò chơi dân gian, những gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng bằng tiếng Việt để các cháu có dịp nâng cao ngôn ngữ Việt, hiểu biết lịch sử, dần yêu thích những truyện ngụ ngôn, cổ tích dân gian. Lên kế hoạch tổ chức càng thiết thực, đáp ứng đúng mong muốn của các bậc cha mẹ sẽ càng thuyết phục được nhiều chị em vào hội.

Theo chị Tạ Phạm Bích Thủy – Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Séc – thì phụ nữ VNONN phải gánh vác nhiều trách nhiệm rất nặng nề, vì ngoài việc lo lắng mưu sinh cho gia đình, chị em còn gặp phải những khó khăn của người phụ nữ xa xứ: phải biết tiếng Séc, phải chủ động và cố gắng rất nhiều để hội nhập, phải lo lắng giữ gìn tiếng Việt cho con cái, giữ nền nếp gia phong, giữ cội nguồn dân tộc….Tuy vậy, chị em phụ nữ Việt Nam tại Séc luôn cố gắng vươn lên, vượt khó để tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, phấn đấu ổn định làm ăn, chăm sóc nuôi dạy con cái, chăm lo hạnh phúc gia đình và hướng về xây dựng đất nước.

Câu lạc bộ Phụ nữ Hương Việt tại Praha ra đời năm 2005 với hơn 17 thành viên là tiền thân cho sự ra đời của Hội Phụ nữ VN tại CH Séc vào năm 2009. Cho đến nay số hội viên lên tới hàng ngàn trên toàn CH Séc với 21 Chi Hội Phụ nữ- gọi là các Câu lạc bộ. Chi Hội nhỏ nhất cũng có 50- 60 thành viên, Chi Hội lớn lên tới vài trăm chị em. Các Chi Hội đang hoạt động rất tích cực và hiệu quả, có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Tại hội thảo này, các đại biểu đều bày tỏ mong muốn được tăng cường kết nối giữa các tổ chức hội phụ nữ Việt Nam trên thế giới với trong nước để các hoạt động ngày càng phong phú, gắn bó, có chiều sâu hơn, tạo điều kiện cho các hội phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Cụ thể là tạo điều kiện để phụ nữ VNONN tham gia vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; xem xét công nhận các hội phụ nữ VNONN là thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; xem xét khả năng các tổ chức phụ nữ VNONN có thể kết nghĩa trực tiếp với hội phụ nữ ở một tỉnh thành, địa phương cụ thể trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng những sự kiện như Hội nghị lần này rất bổ ích cho việc trao đổi kinh nghiệm và bày tỏ hy vọng Ủy ban Nhà nước về NVNONN – Bộ Ngoại giao và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức những hội nghị tiếp theo, cũng như các hoạt động kết nối theo chủ đề, theo khu vực để chị em phụ nữ VNONN sẽ ngày càng gắn kết với nhau và gắn bó hơn với trong nước.

 

Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

 

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của khá nhiều đại biểu tại Hội nghị. 9 ý kiến tham luận và phát biểu của các đại biểu kiều bào đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khắp nơi trên thế giới và các giáo sư, tiến sỹ đến từ các bộ chủ quản, một lần nữa khẳng định vai trò của người phụ nữ trong việc trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, bất kể khoảng cách địa lý và môi trường văn hóa nơi mình đang sống.

 

Hội thảo “Phụ nữ VN ở nước ngoài góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”

 

Thông qua các tham luận, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, nhiều cách làm hay trong việc nuôi dưỡng, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, góp phần làm giàu thêm cho văn hóa các nước sở tại cũng như cách khơi gợi, nhóm lên tinh thần yêu Tổ quốc, yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt ở các thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc tại Rumani, bà Hoàng Thị Hiền – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani – cho biết: Nhiều năm qua Hội người Việt Nam tại Rumani đã phối hợp với Đại sứ quán tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào để các cháu hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn, thêm tự hào và gắn bó với quê hương. Để việc học tiếng Việt trở thành sự tự nguyện và niềm yêu thích với thế hệ trẻ VNONN, cần xây dựng bộ giáo án riêng phù hợp với từng nhóm khu vực. Đội ngũ giáo viên là những nhà sư phạm được đào tạo chuyên về dạy tiếng Việt ở nước ngoài sẽ giúp các cháu tạo sự hứng khởi, thi đua trong học tập.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng việt và văn hóa Việt trong cộng đồng NVNONN, bà Hiền cho biết: Các nước Đông – Tây đều đã, đang và muốn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn. Các thế hệ Việt kiều ở mọi nơi trên thế giới cũng tìm đường trở về cội nguồn. Cơ hội của thế hệ trẻ là rất lớn. Có tiếng Việt, có văn hóa Việt, con cháu chúng ta ở nước ngoài sẽ có thêm phương tiện để vào đời sau này. Biết tự hào về quê cha đất mẹ, các cháu sẽ là những vị sứ giả quảng bá hình ảnh quê hương Việt Nam của mình ra thế giới. Chúng sẽ biết hòa đồng vào mọi môi trường văn hóa mà vẫn không bị hòa tan, bởi đã mang trong mình bản sắc và văn hóa của nòi giống Rồng Tiên, với bề dày hàng ngàn năm lịch sử.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Theo bà Chan Thy (Phạm Thanh Thủy) – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam: đối với NVNONN, việc bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt được đặt ra ngày càng cấp thiết, trong đó các hội đoàn NVNONN có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập, đoàn kết hướng về đất nước, bên cạnh đó còn làm cầu nối để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với thế giới. Tại Campuchia đa số con em kiều bào hiện nay chỉ dừng ở trình độ tiểu học vì cho đến nay bà con vẫn chưa có điều kiện để tổ chức các cấp học cao hơn. Việc duy trì các lớp học tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh trưởng ở Campuchia gặp vô vàn khó khăn vì cộng đồng hiện có rất ít trường lớp và giáo viên giảng dạy cho con em Việt kiều, trình độ giáo viên cũng còn nhiều hạn chế, việc huy động nguồn tài chính để duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục này lại càng khó hơn. Do đó, mong muốn của cộng đồng người Việt tại Campuchia là sẽ được Đảng và Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để việc truyền bá ngôn ngữ và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trong cộng đồng tới đây sẽ đạt được những hiệu quả thiết thực.

Các đại biểu đã thảo luận và quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là tiếng Việt ở nước ngoài một cách đồng bộ, hệ thống và có quy mô rộng rãi; hướng dẫn một cách hệ thống, chuyên sâu về việc thực hiện các phong tục truyền thống của dân tộc ở nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực tâm linh; phổ biến về ẩm thực Việt Nam thông qua Internet, tổ chức các cuộc thi nấu món ăn Việt Nam, thi hát múa dân ca giữa các nước; mở rộng quy mô và hình thức của chương trình Trại hè Việt Nam dành cho thanh thiếu niên kiều bào theo hướng xã hội hóa nhằm thu hút hơn nữa các thế hệ NVNONN, đặc biệt là thế hệ trẻ trong các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các đại biểu cũng kiến nghị Trung ương Hội LHPNVN và Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức các sự kiện gặp mặt theo khu vực; các cơ quan trong nước tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho việc xây trường, dạy và học tiếng Việt, cung cấp sách giáo khoa, giáo cụ trực quan, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Việt; tăng cường hơn nữa vai trò hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, nhất là qua VTV4, các trang mạng điện tử để giới thiệu về tiếng Việt, văn hóa Việt Nam.

 

Kết nối nữ doanh nhân và trí thức trong và ngoài nước

 

Hội thảo “Kết nối nữ doanh nhân và tri thức trong và ngoài nước”

 

Phiên Hội thảo “Kết nối nữ doanh nhân và trí thức trong và ngoài nước” đã được nghe 9 tham luận chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cơ hội hợp tác về đầu tư kinh doanh, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… đồng thời thúc đẩy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập, đoàn kết, hướng về quê hương, đất nước.

Với ý tưởng “Hãy hướng về Việt Nam bằng cách bước ra thế giới!”, nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến (Cộng hòa Áo) cho rằng: Ngoài một bộ phận kiều bào (gồm cả các nữ doanh nhân, trí thức) đã trở về đầu tư, làm ăn, sinh sống, nghiên cứu… tại Việt Nam thì những người khác không nhất thiết phải trở về mới được coi là có cống hiến cho đất nước. Nếu họ phát huy được sức mạnh, trí tuệ của mình ở nước sở tại để gặt hái thành công cho cá nhân, gia đình và cho quốc gia, dân tộc Việt, để bạn bè quốc tế trân trọng, nể phục và biết họ là những người Việt Nam… thì đó cũng là những đóng góp ý nghĩa cho đất nước. Với uy tín và ảnh hưởng đó, họ có thể làm nhịp cầu quan trọng để kết nối các mối quan hệ quốc tế giữa các nước với Việt Nam trên mọi lĩnh vực; Hợp tác, phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, các cá nhân, tập đoàn mạnh của nước ngoài (trong lĩnh vực của mình) đến đầu tư, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, chất xám cho Việt Nam; Kết nối, hỗ trợ các nữ doanh nhân, trí thức trong nước tham gia hợp tác, nghiên cứu, đầu tư với các tổ chức, các dự án, công trình ở nước ngoài…; Kết nối, xây dựng các dự án chung cho các nữ doanh nhân, trí thức Việt và người nước ngoài trên toàn cầu.

Được sống và làm việc trong môi trường nước ngoài, thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, bà Vũ Thị Mai Liên (LB Nga) cho rằng: để thành công trong kinh doanh người phụ nữ hiện đại cần nâng cao kiến thức, rèn luyện tính tự tin, độc lập và trau dồi ngoại ngữ. Trong thế giới mở, ngoại ngữ là chìa khóa để dẫn đến thành công, và giáo dục đào tạo thế hệ trẻ là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia. Trong thời gian sống và làm việc ở các nước, bà cũng thường xuyên có những hoạt động kết nối cộng đồng như: giúp đỡ các doanh nghiệp và trí thức kiều bào tiếp cận thị trường, hỗ trợ và tư vấn các doanh nghiệp tham gia hội chợ, tư vấn du học, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ… Bà Liên bày tỏ mong muốn sẽ cố gắng hết sức mình cùng chung sức để có những đóng góp tích cực trong mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, kết nối giấc mơ học tập, nâng cao kiến thức của anh chị em trong nước với nước ngoài, chung tay vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng Hội nghị chuyên đề “Kết nối nữ doanh nhân và trí thức trong và ngoài nước” đã thực sự trở thành một diễn đàn có ý nghĩa, là cơ hội quý giá để chị em phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và nghiên cứu khoa học được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và có thể chính nơi đây sẽ tạo ra sự liên kết mới, đối tác mới, những người bạn mới.

Sau ba phiên thảo luận, Hội nghị đã thành công tốt đẹp, thể hiện cao nhất tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phản ánh ý chí và nguyện vọng của phụ nữ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới cùng hướng về đất nước.

Bài: Minh Thúy
Ảnh: Cảnh Tiêu

 

(Nguồn: quehuongonline.vn)

DQC (st)

 

 

 

 

Liên kết website