Tin Hội Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania trước những biến đổi mới

11:52 chiều | 18/01/2020

 

Chiều ngày 18.01.2020, hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania có buổi họp mặt với gần đông đủ hội viên và một số khách mời, đã thảo luận sôi nổi trong gần ba giờ đồng hồ về một chủ đề rất nóng và cấp bách: Làm gì? Vấn đề có vẻ như muôn thuở, tại sao lại nóng và cấp bách? Đầu tiên hãy xem tình hình làm ăn của bà con  người Việt hiện nay như thế nào.

Chợ Europa bị xóa sổ. Cả trăm người  Việt lúng túng: đi về đâu? làm gì để sống? Lượng hàng mà họ bán hàng ngày phần lớn lấy từ Dragonul Rosu, do đó các chủ hàng ở đây cũng bị giảm sút doanh thu. Cho đến nay hầu hết người Việt mất việc ở Europa vẫn chưa tìm ra lối thoát. Mặt khác một vấn đề có tính lâu dài là chợ Dragonul Rosu, chợ bán buôn lớn nhất Romania tồn tại đến bao giờ? Hiện nay nhiều gian hàng và nhà kho đã không có người thuê, đặc biệt doanh số bán ra trên toàn chợ đã giảm sút rõ rệt, nhiều chủ doanh nghiệp đã bắt đầu ăn vào vốn.

Trong xu thế phát triển của xã hội, ngoài việc các đại siêu thị Mall ngày càng có sức hấp dẫn đối với giới trung lưu trở lên và giới trẻ, đã xuất hiện hình thức bán buôn qua mạng, tất nhiên giá bán bao gồm cả vận tải vẫn rẻ hơn giá bán tại chợ Dragonul Rosu. Do vậy Chợ Dragonul Rosu với phương thức kinh doanh kinh điển sẽ chấp dứt vai trò trong thời gian không lâu nữa. Một yếu tố rất đáng quan tâm nữa là làn sóng lao động Việt Nam nhập cư hợp pháp vào Romania ngày càng ồ ạt, từ đó nảy sinh nhu cầu hỗ trợ pháp lý, tư vấn ngôn ngữ, văn hóa và xã hội cũng như các dịch vụ dân sinh cho hàng ngàn con người trên vùng đất hoàn toàn xa lạ.

Trước khi bàn thảo về vấn đề doanh nghiệp Việt Nam làm gì trong bối cảnh hiện nay, hãy xem người Trung Quốc đã và đang làm gì? Trước tiên ta thấy họ không tham gia vào việc cung cấp nguồn nhân lực từ Trung Quốc, mà họ nhận nguồn nhân lực từ Việt Nam. Thứ hai là họ phân tán hoạt động  kinh doanh về các tỉnh. Họ khác người Việt ở chỗ họ không ngại phải xa nơi đô hội. Họ không mua nhà để ở mà phần lớn chỉ thuê nhà. Con cái họ gửi về Trung Quốc, nên họ rất cơ động. Thứ ba là họ chuyển đổi ngành nghề khá nhanh, trong đó nhà hàng là nổi bật nhất. Cho đến nay, ngoài hàng chục nhà hàng Tàu ở Bucharest, ở mỗi tỉnh đều có ít nhất một nhà hàng Trung Quốc. Trong lĩnh vực nhà hàng, họ đã và đang thành công. Người ta nói không sai “Khi sinh ra, trong bụng mỗi người Trung Quốc đã có một nhà hàng”. Trên đây tôi đã nói đôi nét về người Trung Quốc, bây giờ xin nói về người Việt.

“Đổi mới hay là chết” – câu nói có vẻ to tát và không đáng quan tâm, song đó lại là sự thực. Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Romania đã hình thành hơn 30 năm, họ quen với cách kinh doanh “tay không bắt giặc”. Họ thành đạt thuận lợi đến mức họ thấy không cần phải học hành, không cần phải thay đổi, “vũ như cẩn” là thượng sách. Nhưng giờ đây đã đến lúc báo động. Muốn tồn tại và phát triển phải đổi mới.

Vậy làm gì? Trước tiên, phải mở ra nhiều ngành nghề mới. Thực ra cũng có một số doanh nghiệp Việt đi tiên phong trong việc chuyển đổi ngành nghề như kinh doanh bất động sản, nhà hàng, làm nail, làm đẹp, tư vấn và kế toán, cửa hàng thực phẩm Việt Nam… Song cần phải đa dạng hơn nữa như dịch vụ thông dịch, dịch vụ cơm hộp cho công nhân và văn phòng, môi giới hôn nhân, chăm sóc sức khỏe, phòng khám bệnh, phòng nha khoa, dịch vụ sửa chữa gia dụng, tân trang nhà cửa, thầu xây dựng, dịch vụ cắt tóc và làm đẹp, trung tâm thể thao và võ thuật, dịch vụ du lịch,… Những ai vẫn muốn giữ nghề cũ là thương mại, cũng cần phải đổi mới phương thức kết nối khách hàng, quảng cáo, thanh toán và giao hàng, đặc biệt phải tính đến chuyện ra khỏi thủ đô. Ở một số nước Tây Âu, hầu hết các khu đô thị nhỏ đều có những cửa hàng tổng hợp tiện ích 24/7 của người Trung Quốc. Tại đó, cư dân trong khu vực có thể tìm thấy bất cứ thứ gì từ cây kim sợi chỉ đến con đinh ốc, từ quần áo lót đến đồ ăn vặt vào bất cứ giờ nào, ngày nào.

Các doanh nghiệp Việt Nam tại Romania đang đứng trước một bài toán khó, có thể nói là chưa bao giờ như thế. Song trong cái khó ló cái khôn. Thách thức bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Nếu chịu khó đào sâu suy nghĩ và có đủ can đảm ta sẽ tìm được lời giải.

                                            

Bucaret, 18.01.2020.

Trần Đình Trúc

 

 

Một số hình ảnh trong buổi họp mặt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên kết website